Hội thảo do Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào (LASS) phối hợp với Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI), Viện Môi trường Stockholm (SEI), Thụy Điển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức. 

vov_lao_ofwv.jpg
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo.

Chủ đề của Hội thảo năm nay là "Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại Tiểu vùng Mekong: kết hợp phát triển nông nghiệp thông minh và tăng cường vai trò của phụ nữ".

Phát biểu chào mừng hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước, đã tích cực tham gia các Hội nghị nói trên và cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030.

Việt Nam đã là một trong những quốc gia tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 và Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Việt Nam còn được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), vì vậy đã tạo ra những thay đổi lớn trong sự nghiệp giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân. 

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn nêu rõ, phát triển nông nghiệp thông minh gắn với phát huy vai trò của phụ nữ chính là một nội dung quan trọng của Mục tiêu phát triển bền vững. Nông nghiệp thông minh là một hướng đi rất phù hợp dưới tác động của biến đổi khí hậu và làn sóng phát triển khoa học công nghệ lần thứ tư.

Trước những thách thức lớn về đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo an ninh nguồn nước và môi trường, yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững và tăng trưởng xanh, nông nghiệp thông minh cần và sẽ phải giữ vai trò trụ cột trong tương lai cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á nói chung và ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia nói riêng.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh, vấn đề lồng ghép giới trong phát triển nông nghiệp được xuất phát chính từ các mục tiêu phát triển toàn diện con người, coi phát triển con người là trung tâm và là một Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Các hạn chế và khiếm khuyết của liên kết bình đẳng giới và phát triển bền vững nói chung và phát triển nông nghiệp thông minh nói riêng hầu như còn mới mẻ, với nhiều khoảng trống cần được nghiên cứu, phân tích tìm hiểu. Phụ nữ và trẻ em gái có thể và sẽ là chìa khóa để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững, tuy nhiên, cần phải tạo ra được chính sách và môi trường để vai trò của họ được phát huy đầy đủ và thực chất. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu và chia sẻ ý tưởng, trao đổi thông tin không chỉ ở trong hội thảo này mà ở trên nhiều diễn đàn của khu vực.

Sau phiên khai mạc, hội thảo đã lắng nghe các bài tham luận quan trọng như: Triển khai Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững tại Tiểu vùng Mekong: bắt đầu từ đâu; Các nghiên cứu trường hợp quốc gia về khu vực nông nghiệp; Nông nghiệp thông minh và nỗ lực hợp tác quốc tế; Nông nghiệp thông minh lồng ghép giới.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, nhằm làm rõ và thống nhất về khái niệm nông nghiệp thông minh, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm triển khai các hành động, dự án phát triển gắn với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững ở các quốc gia Tiểu vùng Mekong, đặc biệt chú trọng đến phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng hạn chế về công nghệ và vốn tại các quốc gia Tiểu vùng Mekong, lồng ghép giới trong phát triển nông nghiệp thông minh cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo và thông báo kế hoạch hội thảo năm tới, Viện sỹ, Tiến sỹ Khlot Thida, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào với tư cách chủ nhà đã tổ chức thành công hội thảo, đánh giá cao chất lượng của các tham luận, thảo luận tại hội thảo, đồng thời tin tưởng rằng việc tổ chức các hội thảo phối hợp giữa 5 tổ chức sẽ góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu và sự phát triển của ba Viện Hàn lâm. Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia trân trọng thông báo chủ đề hội thảo năm 2017 tổ chức tại Campuchia sẽ về vấn đề an ninh lương thực và quản lý nguồn nước Tiểu vùng Mekong.

Về phần mình, Giáo sư, Tiến sỹ Soukkongseng Saingaleuth, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào nhấn mạnh: mặc dù thời gian thảo luận có hạn, nhưng các đại biểu đã tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, trao đổi, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp thiết thực, nhằm phát triển nông nghiệp thông minh và lồng ghép giới trong phát triển nông nghiệp thông minh và các Mục tiêu Phát triển bền vững. Sự thành công trong phối hợp tổ chức hội thảo lần này mở ra cơ hội và triển vọng hợp tác 5 bên trong thực hiện các dự án chung về nông nghiệp thông minh. Trân trọng cảm ơn Lãnh đạo và các nhà nghiên cứu của 5 tổ chức đã góp phần quan trọng vào thành công của hội thảo lần này./.