Dự kiến, các nhà lãnh đạo khối này sẽ cùng nhau thảo luận trực tiếp về các chủ đề nhạy cảm, từ vấn đề nhập cư cho tới gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga hay công bố một dự thảo về Hiệp ước Brexit vào đầu năm 2018.
Một trong những tâm điểm nổi bật nhất của hội nghị lần này vẫn là “gánh nặng người nhập cư”. Việc tiếp nhận và số lượng người nhập cư được tiếp nhận lâu nay vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, bởi lẽ việc lựa chọn 1 chính sách sao cho vừa hiệu quả, vừa đáp ứng được vấn đề nhân đạo sẽ là 1 bài toán hóc búa cho các lãnh đạo Liên minh châu Âu, nhất là khi ở châu Phi và Trung Cận Đông, bên kia cửa ngõ vào châu Âu, vẫn còn biết bao nhiêu con người đang bất chấp nguy hiểm để trốn chạy khỏi thảm cảnh chiến tranh và xung đột.
Một thực tế không thể phủ nhận là làn sóng nhập cư trái phép cũng kéo theo nhiều “rắc rối” và hệ lụy cho châu Âu. Không chỉ phải chật vật giải quyết gánh nặng cứu hộ, cứu trợ mang tính nhân đạo, nhiều quốc gia tại châu lục này cũng đang lo ngại về nguy cơ các phần tử khủng bố có thể trà trộn vào dòng người nhập cư bất hợp pháp và trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh châu Âu. Rõ ràng để giải quyết bài toán nan giải này đòi hỏi sự đoàn kết chung tay của tất cả các quốc gia trong Liên minh châu Âu, bởi vấn đề này dường như đã vượt quá khả năng gánh vác của những nước cửa ngõ châu Âu.
Từ thực tế trên, thông qua hội nghị cấp cao lần này, một chính sách nhập cư mới về châu Âu đang rất được kỳ vọng. Ngày hôm qua (13/12) - chỉ 1 ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels, 2.500 người đã tập trung gần các cơ quan của Liên minh châu Âu tại thành phố này, kêu gọi hỗ trợ người nhập cư tới châu Âu.
Anh nêu phương án giải quyết vấn đề biên giới trong đàm phán Brexit
Ông Nicolas Van Nuffel, một người tham gia tuần hành cho biết: “Chúng tôi muốn để các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu thấy thực tế rằng đã có 33.000 người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải trong 17 năm qua. Đã đến lúc cần một châu Âu hiếu khách, mở cửa tiếp nhận người nhập cư và tị nạn- những người muốn đặt chân tới châu Âu, tìm kiếm sự tị nạn ở đây.”
Ngoài chủ đề nhập cư vẫn đang còn nhiều chia rẽ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng dự kiến sẽ khởi động giai đoạn 2 của cuộc đàm phán về Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, đàm phán có thể thắt chặt các điều kiện sau khi Anh tỏ ý hoài nghi về khả năng đạt một thỏa thuận về các điều khoản "chia tay" mang tính ràng buộc.
Lãnh đạo các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) cũng dự kiến sẽ gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế - chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính, đối với Liên bang Nga đến giữa năm 2018. Đây cũng được xem là vấn đề hết sức tế nhị khi các lệnh trừng phạt nặng nề của Liên minh châu Âu đã làm trầm trọng hơn các mối quan hệ giữa khối này với Moscow.
Tại hội nghị thượng đỉnh này, Liên minh châu Âu cũng đang được trông đợi sẽ có phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel./.