Phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội nghị Sherpa sáng 7/12, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi cho biết Hội nghị Sherpa mở đầu cho chuỗi 150 cuộc họp với sự tham gia của 38 đại biểu, trong đó có 19 đại biểu đến từ các nước thành viên G20, 9 quốc gia khách mời và 10 tổ chức quốc tế tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại thủ đô Jakarta.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử G20, quốc gia Chủ tịch đã mời các quốc đảo nhỏ từ Thái Bình Dương mà đại diện là Fiji, quốc gia ở Caribe, cũng như các nước đang phát triển khác từ châu Phi, ASEAN và châu Mỹ Latin tham dự cuộc họp.

Diễn đàn kinh tế G20 bao gồm hai trụ cột, đó là Đường lối Tài chính (Finance Track) và Hội nghị Sherpa (Sherpa Track). Tại Hội nghị Sherpa, các đại biểu sẽ bàn về các vấn đề rộng lớn bao gồm chống tham nhũng, giáo dục, biến đổi khí hậu, du lịch và văn hóa. Trong khi Hội nghị Đường lối tài chính sẽ được tổ chức từ 9-10/12 tại đảo Bali Indonesia.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto nhấn mạnh, danh sách các quốc gia được mời tham dự Hội nghị cho thấy Indonesia đang nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi toàn diện trên thế giới đúng như chủ đề của Chủ tịch G20 Indonesia đưa ra “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn'.

“Nhiệm kỳ chủ tịch G20 cũng tạo cơ hội để thể hiện vai trò lãnh đạo của Indonesia trên toàn cầu và giải đáp những thách thức khác nhau đang tồn tại. Sự phát triển kinh tế này phải được thực hiện một cách toàn diện, linh hoạt và bền vững. Indonesia kêu gọi tất cả các nước G20 cùng chung tay giải quyết các vấn đề không chỉ trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ, mà còn cả các vấn đề cấu trúc để có thể tăng năng suất và hiệu quả để mở rộng phát triển kinh tế toàn diện”, ông Hartarto nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Indonesia, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 cho thấy khoảng cách vaccine giữa các nước phát triển và đang phát triển. Bởi biến thể này nổi lên từ Nam Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng chỉ là 24%, đồng thời tỷ lệ tiêm chủng trung bình cho toàn châu Phi là 7%. Do đó, với tư cách là Chủ tịch G20, Indonesia khuyến khích tầm quan trọng của việc củng cố kiến ​​trúc y tế toàn cầu tuân thủ các nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, công bằng và minh bạch. Đặc biệt, Indonesia đề xuất xây dựng khu vực ASEAN, trong đó có Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vaccine Covid-19. Mỗi quốc gia có dân số trên 100 triệu người nên có ít nhất 1 trung tâm sản xuất vaccine. Indonesia là quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm vaccine cao trên thế giới và có khả năng đạt 41,8% dân số sẽ được tiêm chủng vào cuối năm nay, cao hơn mục tiêu mà Tổ chức Y tế đưa ra là 40%.

Trích dẫn từ trang web chính thức của G20 Indonesia, Hội nghị Sherpa cũng chuẩn bị các tài liệu để thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2022./.