Đây là một cơ hội “thực sự” để các bên tại Libya cũng như cộng đồng quốc tế thu hẹp được các bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng, vốn đã kéo dài hơn 7 năm qua tại quốc gia nhiều dầu mỏ này.

italy_and_libya_pm_reuters_hqly.jpg
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (trái) và Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya được quốc tế công nhận, Fayez al-Serraj. (Ảnh: Reuters)

Đáp lại kỳ vọng của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, tối qua, Tướng Khalifa Haftar – đại diện cho chính quyền miền Đông Libya, cuối cùng cũng đã tới thành phố Palermo, Italy để tham dự hội nghị quốc tế “cho Libya” – vốn đã được lên kế hoạch diễn ra trước đó cùng ngày. Theo Thủ tướng Italy, nếu vắng mặt 1 trong 2 chính quyền đang tồn tại song song ở Libya thì hội nghị sẽ khó có thể thành công.

Trước đó, từ sáng sớm hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, vốn đang kiểm soát thủ đô Tripoli và được quốc tế công nhận, Fayez al-Serraj cũng đã có mặt tại Italy.

Như vậy, đây là lần thứ 2 trong năm nay, lãnh đạo hai bên liên quan chính, đối lập nhau của Libya có cơ hội gặp nhau trực tiếp, sau một hội nghị quốc tế về Libya khác do Pháp chủ trì trước đó hồi tháng 5. Tham dự hội nghị lần này còn có các đại diện đến từ Nga, Pháp, Mỹ và một số quốc gia khác trong khu vực. Riêng với Ai Cập, đích thân Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã tới tham dự.

Là quốc gia chủ trì hội nghị, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh, đây là hội nghị quốc tế “cho Libya”, chứ không phải là “về Libya”, với mục tiêu “hồi sinh” các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhằm đem lại hòa bình thực sự cho người dân Libya, dưới sự dẫn dắt Liên Hợp Quốc. Đặc biệt là trong bối cảnh Liên Hợp Quốc vừa mới bác bỏ kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tại Libya vào ngày 10/12 tới - một đề xuất trước đó của Pháp, bởi tình hình tại thực địa đang có sự leo thang xung đột.

Mang tới hội nghị quốc tế lần này, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Ghassan Salame muốn các bên thảo luận chi tiết hơn về lộ trình hòa bình Libya do ông soạn thảo - với điểm nhấn là việc tổ chức một hội nghị quốc gia ngay trên đất Libya vào đầu năm sau mà không có sự can dự của nước ngoài; sau đó sẽ tổ chức cuộc Tổng tuyển cử tại Libya, với thời gian dự tính từ tháng 3 cho đến tháng 6 năm sau.

“Giải pháp là rõ ràng, con đường phía trước là rõ ràng” - Đặc phái viên Salame nói. “Vì vậy các bên Libya không nên chần chừ hay chờ đợi. Họ có mọi thứ là con người và tiềm năng tài nguyên. Họ không nên bỏ lỡ cơ hội hiện nay, để chấm dứt một cuộc xung đột, vốn đã ảnh hưởng tới an ninh không chỉ của riêng Libya mà còn là các nước hàng xóm láng giềng và khu vực Địa Trung Hải.”

Theo các cuộc thăm dò, khoảng 80% số người dân số Libya mong muốn quốc gia này có thể sớm tổ chức được cuộc bầu cử, để chấm dứt tình trạng tồn tại song song hai chính quyền, hai lực lượng vũ trang riêng trên cùng một lãnh thổ Libya.

Tuy nhiên, đây không thể là một vấn đề “đơn giản”. Bởi theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Ghassan Salame, điều trước tiên là các bên Libya cần phải ngồi được với nhau, để thảo luận về cách thức bầu cử, luật bầu cử, soạn thảo Hiến pháp,…

Thực tế, vấn đề Libya ít phức tạp hơn nhiều một số khủng hoảng tại Trung Đông hiện nay như Syria, Yemen, … bởi quốc gia Bắc Phi này tới nay vẫn chưa có sự can thiệp quân sự lớn từ nước ngoài. Dẫu vậy, những chi rẽ nội bộ, những toan tính của các thế lực bên ngoài vẫn là một thách thức lớn đối với hội nghị quốc tế lần này./.