Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là sẽ tận dụng cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của mình với các đồng minh NATO để “cài đặt lại” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã rạn nứt, thậm chí là căng thẳng, dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khác với các bình luận mang tính đối đầu và chỉ trích như dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, trước thềm hội nghị, các quan chức quốc phòng Mỹ có quan điểm tích cực và xây dựng trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách mà khối liên minh này đang đối mặt. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin được cho sẽ tập trung vào việc cố gắng khôi phục mối quan hệ của Mỹ với Liên minh châu Âu, đồng thời đảm bảo cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ mong muốn cài đặt lại mối quan hệ Mỹ - NATO: “Không thể phủ nhận rằng trong 4 năm qua, Mỹ và NATO đã phải đối mặt với một số thời điểm thử thách và có các cuộc thảo luận khó khăn với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tôi nghĩ rằng, việc bắt đầu lại để làm cho NATO mạnh mẽ hơn, nằm trong lợi ích an ninh của cả châu Âu và Mỹ”.
Phép thử hợp tác lớn và khó khăn nhất trong mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh trong NATO liên quan đến quyết định rút quân tại Afghanistan. Cả NATO hay Mỹ hiện đều đối mặt với một câu hỏi chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng là làm thế nào rút quân ra khỏi Afghanistan mà không khiến quốc gia này một lần nữa trở thành “thiên đường” của chủ nghĩa khủng bố. Quan chức hai bên cho biết sẽ cùng nhau tham vấn, để đưa ra một chiến lược rõ ràng tại Afghanistan.
Vấn đề thứ 2 là sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại châu Âu. Các đồng minh NATO của Mỹ chắc chắn sẽ muốn biết về số phận của quân đội Mỹ đang đóng quân trên khắp châu Âu. Dưới thời chính quyền của ông Donald Trump, Mỹ tuyên bố sẽ rút khoảng 12.000 quân khỏi Đức, triển khai đến một số nước như Bỉ, Italy hay Ba Lan, trong khi đưa những người còn lại về nước. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, kế hoạch này bị dừng lại và Mỹ có khả năng sẽ đảm bảo với các đồng minh rằng lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại châu Âu.
Một lĩnh vực khác vốn gây sóng gió trong mối quan hệ của Mỹ và các đồng minh châu Âu thời gian qua là chi tiêu quốc phòng. Mặc dù tiếp tục khẳng định các nước châu Âu cần tuân thủ các cam kết trong chi tiêu quốc phòng, nhưng việc này đã được các quan chức Mỹ nêu ra với luận điệu mềm mỏng hơn, trong đó tiếp tục đánh giá cao những quốc gia đã thực hiện đúng các cam kết. Mỹ và NATO cũng sẽ tiếp tục khẳng định lập trường chung trong việc đối phó với Nga hay các vấn đề chống dịch Covid-19, biến đổi khí hậu…
Rõ ràng, NATO đang đối mặt với hàng loạt các thách thức cần giải quyết. Tuy nhiên có quan điểm khác nhau giữa chính quyền của ông Donald Trump và Tổng thống Joe Biden trong lập trường với châu Âu. Điều này cũng có thể tạo nên một sự khác biệt lớn giúp NATO giải quyết hiệu quả các thách thức./.