Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã bế mạc hôm qua (28/7) sau 2 ngày họp tại thủ đô Buenos Aires, Argentina.
Tuyên bố chung kết thúc hội nghị đã chỉ trích tình trạng bảo hộ thương mại, đồng thời cam kết cải cách quy định Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tránh xảy ra xung đột thương mại.
Hội nghị G20 ở Argentina. Ảnh: |
Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang phủ đóng đen lên thị trường nông nghiệp thế giới, tuyên bố chung của hội nghị sau hai ngày họp đã bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng của các biện pháp bảo hộ, đi ngược những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và gây cản trở tới sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Kể từ đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào cho cuộc chiến thương mại toàn cầu khi quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nhôm và thép, đồng thời đe dọa thực hiện biện pháp tương tự với mặt hàng ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Phản ứng với những biện pháp cứng rắn của Mỹ, các đối tác chịu tác động như Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) cũng đều đã nhanh chóng có những biện pháp đáp trả riêng.
Tại hội nghị, không ít ý kiến đã nói rằng, biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và các đối tác khiến chả ai được lợi gì trong khi người nông dân lại là đối tượng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn cả.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều biết điều gì sẽ xảy ra nếu một cá nhân hay một quốc gia không tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, chỉ cố làm lợi cho bản thân thông qua bảo hộ thương mại.”
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng thiệt hại mà nông dân Mỹ phải đối mặt trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trả đũa Mỹ đã lên đến 11 tỷ USD. Chính quyền của ông Donald Trump tuần trước cho biết sẽ chi trả 12 tỷ USD nhằm giúp nông dân nước này vượt qua khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới bên lề hội nghị hôm 28/7 cũng “bật mí”, ông Donald Trump đang có kế hoạch vào cuối tháng 9 tới sẽ giải ngân ngay bằng tiền mặt khoảng từ 7 tỷ đến 8 tỷ USD để hỗ trợ nông dân nước này. Theo đánh giá của giới phân tích, mặc dù số tiền hỗ trợ mà chính quyền Mỹ chi trả có thể nhiều hơn so với thiệt hại mà người nông dân phải hứng chịu song nó cũng không khiến người dân hài lòng bởi cái họ cần chính là được tự mình kinh doanh và kiếm lời trên những sản phẩm mà họ tự tay làm ra.
Bộ trưởng Nông nghiệp G20 bàn về sản xuất lương thực bền vững
Tại hội nghị, các bộ trưởng nông nghiệp G20 cam kết tránh áp dụng các rào cản không cần thiết trong thương mại quốc tế, đồng thời khẳng định sẽ tuân thủ quyền và nghĩa vụ theo các thỏa thuận của WTO. Các bên cũng thừa nhận tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương minh bạch và mở cửa với những nguyên tắc rõ ràng. Theo đó, các nước thành viên G20 cho rằng với một hệ thống thương mại như vậy sẽ giúp giải quyết tình trạng đói nghèo vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới trong bối cảnh nhu cầu lương thực ngày càng cao.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nông nghiệp Argentina Miguel Etchevehere nói: “Cho dù ở đâu và ở thời điểm nào cũng luôn luôn tồn tại những bất đồng song điều khiến chúng ta khác so với trước đây chính là cách chúng ta giải quyết chúng. Khi diễn ra cuộc họp, tất cả chúng ta đều mong muốn tìm kiếm điểm chung.”
Do lo sơ cô lập và cũng là để giải tỏa căng thẳng với các đối tác, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuần qua đã đạt được một thỏa thuận giảm thiểu căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương. Theo đó hai bên nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động…. Giới phân tích nhận định, động thái trên của chính quyền Mỹ là điều dễ hiểu bởi lẽ không có kịch bản nào cho thấy việc các đối tác thương mại làm tổn thương lẫn nhau có thể cho ra một kết quả tốt đẹp. /.