“Hội đồng Bảo an vẫn tiếp tục bất đồng về tình hình Syria” -  Đó là khẳng định của nhà ngoại giao Algeria Lakhdar Brahimi, tân đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab (AL) về vấn đề Syria đưa ra hôm 29/8 trong cuộc họp kín đầu tiên với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những chuyến ngoại giao con thoi của nhiều nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về vấn đề Syria khiến dư luận lo ngại rằng cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này sẽ diễn tiến theo chiều hướng phức tạp hơn.

Mặc dù những thông tin về cuộc họp chưa được tiết lộ, song việc bất đồng quan điểm trong Hội đồng Bảo an LHQ về cách giải quyết vấn đề của Syria trong cuộc họp hôm 29/8 cũng đã được Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud, hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an thừa nhận. Ông Araud cho rằng có những bất đồng chính trị cơ bản giữa các thành viên về nhiều vấn đề, trong đó có tương lai của Tổng thống Syria al-Assad. 

Bất chấp những bất đồng, ông Brahimi cho biết có kế hoạch tới thủ đô Damascus của Syria trong vòng ba tuần tới. Ông cũng sớm có cuộc gặp với người tiền nhiệm Kofi Annan và gặp gỡ các quan chức Liên đoàn Arab. Theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ,  Hội đồng Bảo an cũng sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng để xem xét tình hình nhân đạo tại Syria do ngày càng có nhiều người dân nước này chạy tị nạn ra nước ngoài.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong chuyến thăm Iran và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phong trào Không liên kết tại Tehran, cũng đã hối thúc các nhà lãnh đạo Iran dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt bạo lực và thiết lập các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng một tiến trình đối thoại đáng tin cậy và thẳng thắn.

 

Hội đồng Bảo an LHQ chia rẽ về vấn đề Syria (ảnh: CNN)

 

Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc gặp với thủ tướng Italia Mario Monti tại Berlin cũng đề cập đến vấn đề Syria:

 “Vào lúc này, tình hình nhân đạo tại Syria trở nên đặc biệt đáng lo ngại. Tôi cho rằng, các phe phái đối lập ở Syria cần phải thể hiện đoàn kết và  thống nhất, sẵn sàng tiếp quản trách nhiệm của mình, để càng nhanh càng tốt trả lại sự yên bình và ổn định cho người dân Syria”.

Phát biểu tại một diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) đang diễn ra ở Tehran, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi nhấn mạnh đến vai trò của NAM trong việc giải quyết tình hình hiện nay ở Syria:  “Tất cả chúng ta sẽ phải thể hiện sự đoàn kết đầy đủ, để  đem lai tự do và công lý cho Syria, đồng thời sẽ hỗ trợ cho tiến trình chuyển giao hướng tới một nền dân chủ, thể hiện được ý chí và nguyện vọng chính đáng của người dân Syria”.

Những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế xem ra không mang lại tín hiệu khả quan nào đối với tình hình Syria. Bạo lực vẫn tiếp diễn trong ngày hôm nay ở nhiều thành phố. Trước đó ngày hôm qua hãng tin Reuters của Anh đã ghi lại hình ảnh những chiếc máy bay quân sự được cho là của Chính phủ Syria xả súng  vào một tòa nhà ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến ít nhất 60 người thiệt mạng. Liên Hợp Quốc cũng ngay lập tức lên án vụ tấn công đẫm máu này. Chính phủ Syria chưa có bình luận nào về thông tin này.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Addounia, hôm 29/8,  Tổng thống Syria al-Assad cho biết, lực lượng chính phủ đang giành lợi thế lớn và tình hình thực tế tại nước này đã khả quan hơn. Tuy nhiên, Damascus cần có thêm thời gian để có thể giải quyết hoàn toàn các cuộc xung đột.

Tổng thống Assad một lần nữa khẳng định vận mệnh của Syria nằm trong tay người dân nước này, chứ không phải trong tay người khác. Ông cáo buộc một số cá nhân trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tình làm tình hình ở Syria trở lên rối ren hơn với ý tưởng lập một vùng đệm nhân đạo do Liên Hợp Quốc kiểm soát ngay trong lãnh thổ Syria nhằm bảo vệ những người tị nạn và phân phát hàng cứu trợ nhân đạo./.