Những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương- 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tiếp tục được các chuyên gia, học giả nhiều nước phân tích, khẳng định Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận về Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng hành động này là một mối đe dọa nghiêm trọng và phức tạp đối với an ninh khu vực. Trong khi đó Việt Nam không hề có hành động nào để Trung Quốc có thể coi là “khiêu khích” trong thời gian qua.
Người dân Ukraine tham gia phản đối Trung Quốc gây hấn trên vùng biển Việt Nam |
Chuyên gia Malcolm Cook - Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Flinders ở Adelaide, chuyên gia cao cấp Viện Đông Nam Á đặt trụ sở tại Singapore nhấn mạnh, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông rõ ràng là đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là bằng chứng mới nhất của cách tiếp cận thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc tuân thủ các thỏa thuận đã ký. Trong khi đó, Việt Nam không hề có hành động nào để Trung Quốc có thể coi là “khiêu khích” trong thời gian qua.
Chuyên gia Malcolm Cook nhận định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương- 981 vào Biển Đông một tuần trước khi Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra cho thấy nước này thiếu tôn trọng ASEAN.
Cùng quan điểm trên, tiến sỹ Grigori Lokhshin, chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN tại Nga hôm 14/5 cho rằng: “Những hành động của Việt Nam đến nay hoàn toàn đúng đắn, gồm cả việc đưa vấn đề ra thảo luận trong ASEAN. Bởi vì việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 diễn ra ngay trước thềm hội nghị cấp cao ASEAN, cho thấy sự thiếu tôn trọng và là thách thức đối với tất cả các nước ASEAN”.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam có thể được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng và phức tạp đối với an ninh khu vực.
Đây là nhận định của ông Lucio Caracciolo, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về thời sự-chính trị quốc tế, hiện là Tổng biên tập của Limes, tạp chí về địa-chính trị uy tín của Italia. Học giả Lucio Caracciolo cho rằng, hành động của Trung Quốc không chỉ là những đòi hỏi mang tính kinh tế, mà còn là cách phô trương thanh thế của họ đối với các nước châu Á và Mỹ.
Phân tích về động cơ của Trung Quốc, tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị của Đức cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là điều đáng ngạc nghiên, vì các chuyên gia khu vực đã khẳng định không có trữ lượng lớn về dầu mỏ ở đây. Từ đó, ông nhận định đây là động cơ chính trị của Trung Quốc.
Cũng theo tiến sỹ Gerhard Will, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tạo ra sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực giảm xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết.
Tiến sĩ người Đức cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm các quy định về luật biển quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký tháng 11/2002./.