Israel và Palestine cam kết sẽ nỗ lực làm dịu căng thẳng tại thánh địa Jerusalem. Đó là khẳng định của ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra sau cuộc thảo luận với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Thủ đô Aman của Jordan ngày 13/11. Cho dù chưa biết những biện pháp cụ thể là gì, song việc đạt được cam kết giữa Israel và Palestine vào thời điểm này cho thấy, nỗ lực không nhỏ của Mỹ trong việc thực hiện nhiệm vụ trung gian hòa giải được cho là kéo dài và khó khăn nhất của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã phải hủy bỏ chuyến thăm tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất dự diễn đàn hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới về an ninh toàn cầu để thực hiện vai trò trung gian cho vấn đề căng thẳng tại Trung Đông giữa Israel và Palestine.
Mang trong mình trọng trách lớn lao tới Aman, ông Kerry dường như đặt rất ít hy vọng vào những kết quả có thể đạt được bởi tình hình bạo lực xung quanh ngôi đền cổ linh thiêng al-Aqsa ở Jerusalem đang ngày càng leo thang kể từ đầu tháng 11, sau khi Israel cho đóng cửa ngôi đền này, được coi là nơi linh thiêng thứ 3 của người Hồi giáo.
Đỉnh điểm là hôm 11/11, các binh sĩ Israel đã bắn chết một người Palestine trong các cuộc đụng độ tại phía Nam khu Bờ Tây. Cũng trong đêm 11/11, một đền thờ Hồi giáo tại làng Al Mugai, gần khu định cư Silo ở thành phố Ramala, thuộc khu Bờ Tây đã bị những người định cư Israel phóng hỏa.
Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Palestine Abbas ngày 13/11, ông Kerry cho biết, ông đã nhận được lời cam kết từ phía Palestine sẽ nỗ lực giảm căng thẳng hiện nay: “Tổng thống Abbas đã đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng sẽ không để tình trạng bạo lực tái diễn. Ông ấy đã nhấn mạnh rằng sẽ làm mọi điều có thể để tạo không khí hòa bình ở khu vực này”.
Trước đó, ông Kerry đã có cuộc đàm thoại với Thủ tướng Israel Netanyahu trong các ngày mùng 6 và mùng 10 vừa qua. Tại các cuộc đàm thoại này, ông Kerry cũng đã nhận được lời cam kết tương tự của Thủ tướng Israel: “Thủ tướng Netanyahu cũng đã khẳng định cam kết của Israel để duy trì hiện trạng tại khu vực đền thánh địa Al-Assad và sẽ từng bước thực hiện những cam kết này. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các bên liên quan và các bên tham gia hòa giải ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và kêu gọi các bên kiềm chế”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những kết quả này là không thực chất khi những cam kết đưa ra không mang bất cứ một ràng buộc nào. Trong các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, từ cam kết đến thực hiện rất ít khi xảy ra, hoặc nếu có thì cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho cuộc xung đột này kéo dài hàng thế kỷ qua mà chưa tìm được lối thoát.
Căng thẳng xung quanh ngôi đền Al- Assad nhìn từ bề ngoài cho thấy những mâu thuẫn về tôn giáo: giữa những người Hồi giáo, người Thiên Chúa giáo và những người Do Thái giáo. Nhưng thực chất, nó lại đang khoét sâu hơn nguồn cơn về tranh giành đất đai, ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, vốn đã không thiếu những xung đột. Căng thẳng tại Jerusalem khiến cho các nước láng giềng lo ngại sẽ tạo ra một cuộc xung đột ở toàn khu vực.
Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh nói: “Sự căng thẳng ở Jerusalem, như bạn đã thấy trong vài ngày qua, đã làm dấy lo ngại bùng phát căng thẳng không chỉ ở đây mà còn lan sang những nơi khác ở Bờ Tây. Thậm chí điều này có thể ảnh hưởng tới cả chúng tôi”.
Không chỉ có Jordan, sẽ còn nhiều quốc gia Arab khác vào cuộc để thúc đẩy cho tiến trình hòa bình này. Song sự ác cảm của thế giới Arab với Israel, thái độ không nhân nhượng của Israel trong việc tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái trên phần đất chiếm đóng của Palestine sẽ khiến cho tiến trình này sẽ còn nhiều chông gai. Và Ngoại trưởng Kerry chắc sẽ còn phải thực hiện hàng chục chuyến đi con thoi đến Trung Đông trong nửa nhiệm kỳ còn lại của mình./.