Hầu hết người Mỹ đều biết về trận Trân Châu Cảng, cách máy bay Nhật từ trên mây lao xuống tấn công hết tàu này đến tàu khác trong cảng, bắn vào các ụ pháo của tàu chiến, làm hư hại các ụ tàu, và khiến hơn 2.300 người Mỹ thiệt mạng. Nhưng mục tiêu “thèm muốn” nhất của cuộc tấn công là các tàu sân bay, lại “may mắn” thoát nạn.
Phó Đô đốc William Halsey, Jr., được mô tả là một người cứng rắn và bộc trực. Vào tháng 11/1941, ông được giao một nhiệm vụ tối mật là dưới vỏ bọc của một cuộc tập trận, đưa 12 chiếc F4F Hellcats của Thủy quân Lục chiến đến Đảo Wake. Đảo Wake nằm gần Nhật Bản hơn Hawaii và Mỹ không muốn Nhật Bản biết lực lượng Thủy quân Lục chiến đang được tăng cường.
Nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng nguy hiểm. Halsey biết rằng Nhật Bản đang cân nhắc chiến tranh với Mỹ và Nhật Bản nên đã ra lệnh chia lực lượng đặc nhiệm của mình thành hai nhóm. Các tàu chạy chậm hơn, bao gồm 3 thiết giáp hạm, đã được cử đến để tiến hành cuộc tập trận hải quân.
Halsey đưa tàu sân bay Enterprise, 3 tàu tuần dương hạng nặng và 9 tàu khu trục làm “Lực lượng Đặc nhiệm 8” để chuyển các máy bay. 13 con tàu sẽ liên tục “trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu”. Tất cả ngư lôi đều được gắn đầu đạn, máy bay được trang bị đầy đủ tải trọng vũ khí và các xạ thủ đã sẵn sàng chiến đấu.
Halsey đã kiểm tra và không có kế hoạch vận chuyển đồng minh hoặc thương nhân trên đường đi của mình, vì vậy ông ra lệnh cho máy bay dưới quyền đánh chìm bất kỳ con tàu nào và hạ gục bất kỳ máy bay nào có thể phát hiện được. Nếu Lực lượng Đặc nhiệm 8 đụng phải một nhóm tàu, thì đó chắc chắn là người Nhật và tự động bắt đầu cuộc chiến.
Halsey hồi tưởng lại sau chiến tranh: Khi viên chỉ huy William H. Buracker mang [tờ lệnh] đến cho tôi và hỏi một cách hoài nghi, “Thưa Đô đốc, chính Ngài đã ủy quyền việc này?”, “Đúng”. “Ngài có nhận thấy rằng điều này có nghĩa là chiến tranh?”, “Có!”. Buracker phản đối: “Đô đốc, Ngài không thể tự bắt đầu một cuộc chiến của riêng mình! Ai sẽ chịu trách nhiệm?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ nhận trách nhiệm! Nếu bất cứ điều gì cản trở chúng ta, chúng ta sẽ nổ súng trước và tranh luận sau”.
Được trang bị, chuẩn bị cho một cuộc chiến, Halsey và thuộc cấp của ông đi thuyền cho đến khi họ đến gần Đảo Wake vào ngày 4/12 và theo kế hoạch sẽ trở lại Trân Châu Cảng ngày 6/12.
Nếu mọi thứ diễn ra đúng như kế hoạch, Lực lượng Đặc nhiệm 8 có lẽ đã phải hứng chịu tổn thất nặng nề. Nhưng chính sự cố trong hành trình trở về lại là điều may mắn cứu sống họ. Một tàu khu trục đã lạc đường, làm trì hoãn việc cập bến của Lực lượng Đặc nhiệm 8 cho đến sớm nhất là 7h30 ngày 7/12. Việc chậm trễ hơn nữa trong quá trình tiếp nhiên liệu đã đẩy mốc thời gian xa hơn tới tận trưa.
Vì sự cố đơn lẻ, hơi kỳ lạ đó, ít nhất 13 tàu, bao gồm một trong những tàu sân bay có giá trị nhất của Mỹ, đã vắng mặt khi cuộc tấn công của Nhật Bản bắt đầu. Nếu không, một trong những mục tiêu hàng đầu của Nhật Bản là tàu sân bay cũng như các tàu tuần dương sẽ là nạn nhân cuộc tấn công ngày 7/12.
Các phi công Nhật đã tìm kiếm 3 hàng không mẫu hạm đồn trú tại Trân Châu Cảng. Trung tá hải quân Nhật Bản, Mitsuo Fuchida sau đó đã mô tả hành động của mình khi đợt không kích đầu tiên diễn ra: “Qua ống nhòm, tôi chăm chú nhìn những con tàu đang thả neo một cách yên bình. Tôi đếm từng chiếc một. Vâng, các thiết giáp hạm đã ở đó, 8 chiếc! Nhưng hy vọng cuối cùng của chúng tôi về việc tìm thấy sự hiện diện của bất kỳ tàu sân bay nào đã hết. Không có chiếc nào cả”.
Hàng không mẫu hạm Enterprise tiếp tục chiến đấu dũng mãnh trong đội hình Hải quân Mỹ trong các chiến dịch. Ngày 7-8/12 Halsey đã tìm kiếm các mục tiêu của Nhật để tấn công. Mặc dù không thể liên lạc trong những khoảnh khắc ban đầu của trận không kích Trân Châu Cảng, nhưng tàu sân bay Enterprise đã có được 20 ngôi sao chiến công trong các cuộc giao tranh sau đó.
Tàu sân bay này tham gia đắc lực để giành chiến thắng tại Midway, Trận hải chiến Guadalcanal, Biển Philippine và Vịnh Leyte. Hàng không mẫu hạm Enterprise đã bị tấn công nhiều lần, nhưng luôn luôn may mắn có thể quay trở lại đội ngũ. Thủy thủ đoàn của nó đã giành được bằng khen của tổng thống và bằng khen của hải quân. Con tàu và phần lớn thủy thủ đoàn sống sót qua chiến tranh. Hàng không mẫu hạm Enterprise đã ngừng hoạt động vào năm 1947./.