Thuốc Pervitin dựa trên chất kích thích methamphetamine (ma túy đá) đã được Đức Quốc xã chế từ năm 1937 trở đi. Thuốc này được phân phát cho các quân nhân Đức.

phat_xit_duc_uemw.jpg
Quân đội phát xít Đức. Ảnh: Independent.

Các đội quân của Adolf Hilter tiến hành xâm chiếm chớp nhoáng đối với Ba Lan và Pháp khi cơ thể của chúng vẫn còn chịu tác động của methamphetamine – thứ chất giúp chúng tỉnh táo, hứng khởi và cảm thấy mình là vô địch.

Thông tin này được tiết lộ trong một cuốn sách mới đây nói về việc Đức Quốc xã dùng ma túy trong Thế chiến thứ 2.

Trong một ấn phẩm xuất bản tại Đức vào tuần trước, tác giả Norman Ohler hé lộ về vai trò quan trọng chiến lược của loại thuốc chế từ methamphetamine và được Đức Quốc xã sản xuất từ năm 1937, với nhãn hiệu “Pervitin”.

Thuốc này được quảng cáo là nhằm trị stress, mệt mỏi và tạo cảm giác phấn chấn.

Tác giả Ohler giải thích: “Ban đầu bên quân đội không nhận ra rằng Pervitin chính là một loại ma túy: Binh sĩ nghĩ nó cũng tương tự như uống cà phê”.

Ban lãnh đạo Đức Quốc xã nhận thức rõ giá trị của Pervitin với tư cách là chất kích thích trong quá trình chiến đấu.

Sau khi dùng thử thuốc này vào năm 1939 trong cuộc xâm lược Ba Lan, quân đội Đức đã đặt sản xuất 35 triệu viên thuốc Pervitin cho binh sĩ trước khi tiến đánh nước Pháp vào đầu năm 1940.

Việc xâm lược Pháp (trong Thế chiến 2) khiến cả thế giới bị sốc. Chỉ trong 4 ngày, các xe tăng Hitler đã chiếm thêm nhiều lãnh thổ Pháp hơn so với chính quân Đức trong 4 năm Thế chiến thứ 1.

Thuốc Pervitin đã giúp đội quân xâm lược của Đức tỉnh táo và cảm thấy sôi sục hăng máu.

Các phát hiện của ông Ohler dựa trên nhiều tháng nghiên cứu tại các cơ sở tàng thư quân sự ở Đức và Mỹ.

Đến trùm phát xít Đức Adolf Hitler cũng lạm dụng ma túy để duy trì "phong độ". Ảnh: Getty.

Các sử gia cho biết các tiết lộ mới của Ohler sẽ thay đổi cách nhìn nhận hiện nay đối với vai trò quân sự của Đức thời chiến tranh.

Sử gia Đức Hans Mommsen nói: “Thực tế rằng chiến tranh chớp nhoáng là một cuộc chiến dựa trên ma túy, một lần nữa bác bỏ luận thuyết cho rằng quân đội Đức là trong sạch”.

Ông Ohler giải thích việc Đức Quốc xã loại bỏ các loại ma túy như là cocaine, thuốc phiện, và morphine (vốn có sẵn ở nước Đức trong thập niên 1930) và lên án các loại chất này là mang tính “Do Thái”.

Các nhà hóa học của Đế chế 3 được khuyến khích tìm ra một loại chất kích thích thay thế phù hợp cho chủng tộc Aryan. Và nhà hóa học phát xít Fritz Hauschild đã chế ra Pervitin.

Tác giả Ohler giải thích: “Đức Quốc xã muốn Pervitin sẽ vượt qua đồ uống Coca Coa để mọi người dùng chất đó... Đức Quốc xã thậm chí còn phát triển các loại chocolate chứa thuốc kích thích này”.

Cuốn sách của Ohler có cung cấp những hiểu biết mới và sâu về vai trò của bác sĩ riêng của Hitler, là Theodor Morell.

Tác giả cuốn sách tiết lộ rằng Morell đã cố gắng che giấu thực tế ông ta cũng là người Do Thái bằng cách gia nhập Đảng Quốc xã trước chiến tranh và làm lại chứng minh thư.

Người ta cho rằng Morell đã khiến Hitler hoàn toàn phụ thuộc vào ma túy, biến trùm phát xít thành một kẻ nghiện vào thời điểm y tự sát trong boong-ke cố thủ ở Berlin vào năm 1945.

Tác giả Ohler đã tiếp cận được các ghi chú của Morell mà theo đó viên bác sĩ này đã cho Hitler tổng cộng 800 mũi tiêm trong quãng thời gian 1.349 ngày.

Đáng lưu ý là tiết lộ về việc Hitler ngày càng phụ thuộc vào một loại thuốc có tên gọi “Eukodal” – một loại thuốc giảm đau có tác dụng mạnh gấp đôi morphine loại thông thường.

Ohler tiết lộ rằng Hitler lần đầu sử dụng chất này trước cuộc gặp với Mussolini vào năm 1943 tại thời điểm Italy xem xét rút lui khỏi liên minh với nước Đức Quốc xã. Sau hai mũi tiêm “Eukodal”, lãnh tụ phát xít Đức cảm thấy rất hưng phấn nên cuối cùng y đã thuyết phục được trùm phát xít Italy tiếp tục sát cánh với Đức./.

>> Xem thêm: Ngày cuối cùng trong cuộc đời trùm phát xít Hitler