Trong Thế chiến 2, trùm phát xít Adolf Hitler đã ra lệnh cho không quân Đức mở chiến dịch oanh kích ồ ạt nước Anh từ tháng 9/1940 đến tháng 5/1941 nhằm mục đích phá hoại nền kinh tế nước Anh và làm suy giảm nhuệ khí của nước này trong chiến tranh.
Phụ nữ Anh trong giai đoạn nước Anh bị không quân Đức Quốc xã oanh tạc. Ảnh tư liệu. |
Chiến dịch không kích đó tập trung vào các trung tâm công nghiệp, quân sự và các thành phố của Anh Quốc, với London là một trọng điểm. Trong 267 ngày, không quân phát xít Đức đã phá hủy hoặc làm hư hại 1 triệu ngôi nhà ở riêng London, đồng thời cướp đi sinh mạng của hơn 43.000 người (trong đó một nửa là dân ở thủ đô).
Thế nhưng, Hitler đã bất thành trong việc đánh quỵ ý chí của người Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Không những vậy, chiến dịch không kích của Hitler còn gây ra một hiệu ứng rất bất ngờ, đó là người Anh lại càng “yêu” nhau mãnh liệt hơn, hoang dại hơn chính trong lúc cận kề cái chết.
Điều tưởng chừng phi lý này được tiết lộ một cách có hệ thống trong cuốn sách mới phát hành “The Secret History of the Blitz” của tác giả Joshua Levine, chuyên viết về các vấn đề lịch sử:
***
Tiếng bom nổ rung chuyển mặt đất, chớp lửa rạch ngang bầu trời London. Cặp đôi thanh niên kinh hãi nhìn những gì diễn ra. Khi về tới nhà, họ đều ý thức về một đợt máy bay ném bom thứ 2 ở ngay trên đầu mình. Tuy nhiên việc đi tìm một hầm trú ẩn chỉ là điều cuối cùng xuất hiện trong đầu họ. Lúc đối mặt với nguy hiểm chết người ấy, họ lại lao vào một cuộc “yêu” hết sức nồng nàn.
Peter Quennell, người sau này trở thành một sử gia có tiếng, viết: “Nỗi sợ hãi đêm đó kết hợp với niềm hoan lạc đã tạo ra sự thăng hoa cảm xúc cực lớn. Lực nổ của một quả bom cách đó vài trăm mét chỉ làm tăng thêm mức độ khoái lạc”.
Nam nữ Anh. |
Alison Wilson, một nữ sinh trong thời kỳ Đức oanh tạc nước Anh từ năm 1940-1941, kể lại: “Người ta vụng trộm với nhau theo kiểu mà họ không dám làm trước khi xảy ra chiến tranh”. Mẹ của Wilson là một trong số đó. Dù đã kết hôn, bà ta vẫn có thêm người tình trong thời chiến, đó là một công chức người xứ Scotland được gửi tới London.
Wilson kể tiếp: “Ông ta là người đã có gia đình, có 2 con. Sau chiến tranh, ông ta quay về với gia đình mình. Thái độ thời đó là sống gấp. Bạn chả bao giờ biết khi nào thì mình sẽ chết vì trúng bom”.
Cuộc oanh kích của không quân Đức đã tác động sâu sắc đến tâm lý người Anh. Trong 267 ngày từ 7/9/1940 đến 21/5/1941, chiến dịch này đã phá hủy hoặc làm hư hại 1 triệu ngôi nhà ở riêng thủ đô London và giết hại nhiều dân thường.
Dân Anh phản ứng ra sao trong bóng tối chiến tranh?
Liệu họ cùng hát hò, cùng giơ nắm đấm chửi thề Adolf Hitler hay vui vẻ tránh các mảnh vỡ trên đường đi làm vào sáng hôm sau? Hoặc liệu có những đám người lôi đồ đạc còn lại từ các ngôi nhà bị bom phá tan tành, chia nhau khẩu phần ăn rồi chửi rủa người nước ngoài, trong khi lúc nào cũng hy vọng hai phe tham chiến sẽ điều đình với nhau để họ khỏi phải khổ sở như thế này?
Sự thật thì người Anh đều đã làm thế. Họ còn làm một điều khác nữa, ít được sách báo đề cập, đó là người ta “hiểu biết” nhau hơn theo những cách không thể tưởng tượng được trước đó trong thời kỳ hòa bình của thập niên 1940.
Cuộc không kích Blitz của không quân Đức rốt cuộc đã làm tăng mạnh ham muốn tình dục trong nhiều người dân Anh lúc đó. Tròn hai thập kỷ trước giai đoạn cởi mở của thập niên 1960, ở nước Anh đã diễn ra một cuộc cách mạng tình dục, dù ít được đề cập nhưng lại có tác động đáng kể đến lối sống ngày nay của nhiều người dân Anh.
Các hầm trú ẩn tránh bom ở Anh giai đoạn Thế chiến 2. Ảnh tư liệu của Daily Mail. |
Có nhiều yếu tố của giai đoạn 1940-1941 thúc đẩy người Anh làm “chuyện ấy”. Thứ nhất là nguy cơ chết bất kỳ lúc nào. Thứ hai là bóng tối của những đêm bị ném bom đem đến cho người ta sự bí mật và sự hưng phấn. Lý do nữa khiến người Anh “liều mình” nhắm mắt đưa chân là việc xuất hiện nhiều nam giới nước ngoài trong khi chồng của nhiều người vợ Anh đi vắng, còn con cái thì đã đưa đi sơ tán. Trong hoàn cảnh ấy, các bà mẹ Anh bỗng nhiên thoát khỏi các trách nhiệm của người vợ, người mẹ và có “cơ hội” hiếm có để thực hiện các cuộc phiêu lưu tình ái.
Các căn hầm tránh bom mang lại các cơ hội chưa từng có để những người Anh nào không cầm nổi lòng thi nhau nếm trái cấm hoặc “ăn nem ăn chả”. Còn nghĩ ngợi được gì nữa khi những người Anh (không phải người phương Đông khắc kỷ) nằm sát bên nhau giữa bóng tối trong khoảng thời gian kéo dài, với cảm giác vừa sợ hãi vừa chán chường?
Vào tháng 11/1940, một nhân viên tập sự ở Tòa vị thành niên Southwark kể về việc đã chứng kiến “các thanh thiếu niên thuộc 2 phái nằm bên nhau trên sàn hầm trú ấn công cộng, thậm chí ngay cả trước mặt cha mẹ họ”.
Một báo cáo cho hay, tại một trong các hầm trú ẩn lớn nhất của London, trong nhiều đêm, người ta ghi nhận cảnh các cặp thanh niên ôm ấp hôn hít lẫn nhau, thậm chí có những cặp còn táo tợn làm tình ở những chỗ tối hơn.
Nhà văn Caryl Abrahams cho biết từng nghe về đoạn trao đổi sau trong một hầm trú ẩn công cộng: “Bảo vệ: “Trong hầm này có ai mang bầu không nhỉ?” Phụ nữ: “Cho bọn em cơ hội đi anh ơi! Chúng em mới ở đây được 10 phút thôi!”.”
Các số liệu thống kê đã nói rõ tất cả. Số lượng con sinh ngoài giá thú ở Anh và xứ Wales tăng vọt từ 24.540 năm 1939 lên 35.164 năm 1942. Tỷ lệ mắc bệnh hoa liễu tăng tới 70% trong thời kỳ này.
Ronald Blyth, một nam thanh niên vào năm 1940, nhớ lại rằng khi ấy các cấm cản như tan biến. “Lễ giáo thông thường mất đi, và người ta lao vào các cuộc phiêu lưu và lãng mạn”.
Nhà văn Quentin Crisp có những ký ức tương tự: “Ngay khi bom bắt đầu rơi, cả thành phố như biến thành một chiếc giường đôi. Những giọng nói thì thầm gợi mở, những bàn tay khùa khoạng, và trên những đoàn tàu tối tù mù, người ta hành xử như thể trên xe taxi”.
Trong một bức thư gửi cho tạp chí London Life, người viết kể lại chuyện anh ta ở trong một hầm phòng không cùng với nữ diễn viên trẻ đang đọc ấn phẩm London Life với các bài viết nói về sex.
Bối cảnh đó đã làm cho những người trong hầm thảo luận những vấn đề riêng tư như chuyện đồ lót, áo nịt, hay khuyên cơ thể. Nhóm này mải mê bàn tán những chuyện đại loại như vậy đến mức họ không phản ứng gì khi có một quả bom nổ gần đó.
Đường phố Anh bị tàn phá bởi bom từ máy bay phát xít Đức. |
Khi một người trông coi hầm chạy đến để xem có ai bị thương không, người ta kể lại cho ông rằng đám đó đã quá bận buôn chuyện nên không để ý đến những gì diễn ra xung quanh. Nhóm này hưng phấn đến mức họ quyết định rằng nếu lần sau chui xuống hầm tránh máy bay, mỗi người trong nhóm sẽ ăn mặc theo hứng thú sex của riêng họ.
Thực hư câu chuyện này chưa được kiểm chứng. Nhưng có 1 thực tế là tạp chí London Life vào tháng 5/1941 đã đăng trên trang bìa hình 3 cô gái chỉ mặc có mỗi đồ lót và mặt nạ phòng độc. Khó có thể tìm được bức ảnh nào tiêu biểu hơn cho khía cạnh giới tính trong cuộc oanh tạc nhằm vào Anh Quốc.
Các hành vi cực đoan khác
Gerald Dougherty là một nhân viên xe cứu thương. Ông ta còn nhớ như in về ngày đầu tiên của chiến dịch không kích. Bầu trời đầy tiếng gầm rú của máy bay và tiếng pháo cao xạ.
Dougherty lập tức lao tới mới quán rượu gần đó, nơi tụ tập của dân đồng tính. “Tôi nghĩ, đêm nay chắc mình khó sống. Vậy thì hãy xem việc đó thế nào”.
Gã sau đó rời quán rượu cùng với một nam giới khác. Hai kẻ này vừa đi vừa tránh các mảnh bom trên vỉa hè. Khi tới ga Charing Cross, cả hai thấy các toa tàu đứng yên, bèn trèo vào phòng hạng nhất của một toa tàu. Thế rồi 2 gã cùng thác loạn trong khung cảnh bom rơi đạn nổ và thủy tinh vỡ vụn văng tung tóe.
Tình trạng sinh hoạt đồng tính này cũng được ngầm thả lỏng trong quân đội Anh khi ấy. Một số nam tân binh bị đối xử như nữ giới, một số người trong số họ thậm chí còn trang điểm.
Mặc dù vậy, quan hệ đồng tính vẫn là bất hợp pháp ở Anh trong 1/4 thế kỷ sau đó. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cảnh sát Anh không chú trọng nhiều vào việc bắt các nam giới đồng tính.
Ngoài chuyện tự do luyến ái, còn có sự gia tăng các vụ tấn công tình dục.
Mary Warschauer, một phụ nữ trẻ ở London trong giai đoạn chiến dịch Blitz đã bị một gã đàn ông tiếp cận trong màn đêm. Y đẩy cô về phía sau. Thế là Mary, khi đó khá sung sức, tát thẳng vào mặt gã. Gã này phản ứng bất ngờ. Gã chộp vai cô lắc mạnh cho tóc cô xõa xuống lưng rồi chạy biến.
Một phụ nữ ở nam London thoát chết trong Thế chiến 2 nhờ hầm phòng không. Ảnh tư liệu của Daily Mail. |
Trở lại câu chuyện của mẹ Alison Wilson và người tình của bà ta, người ta cho rằng chuyện này thông cảm được do điều đó giúp họ quên đi những điều kinh khủng của thời chiến.
Ronald Blyth kể về một trường hợp mà người này biết: “Một cặp đôi đính hôn trước chiến tranh. Nàng ở London, còn chàng tòng quân sang Trung Đông. Khi hai người kết hôn vào năm 1946, họ nhất trí rằng sẽ không truy cứu lẫn nhau về những gì đã xảy ra với họ trong thời kỳ chiến tranh”.
Còn nhà văn Matt Wingett thì viết: “Người ta không biết liệu ngày mai mình còn sống hay không, nên họ cố tận hưởng niềm vui khi có thể”.
Tất nhiên những sự “tự do” này không phải là cứ thoải mái lan tràn mà không bị kiểm soát. Một số nhân vật nổi tiếng cùng các tổ chức đã đấu tranh để duy trì phẩm hạnh của người Anh thời chiến.
Chẳng hạn, Hội đồng Đức hạnh Công cộng - được thành lập vào năm 1899 để chống lại tội lỗi và sự thiếu đứng đắn - đã duy trì tinh thần cảnh giác cao trong suốt cuộc chiến tranh.
Các ghi chép của tổ chức này vào tháng 6/1940 cho thấy một quan sát viên của họ phát hiện thấy các toilet công cộng ở ga Victoria của London đầy rẫy những gã đàn ông “lệch lạc”.
Tuy nhiên hội đồng này chủ yếu để mắt đến nạn mại dâm.
Một quan sát viên của hội đồng kể lại việc ông ta theo dõi một đôi nam nữ đứng nói chuyện bên ngoài cửa hầm. Ông ta cố gắng đi theo họ vào trong nhưng một phụ nữ đã bước ra cản đường ông.
Quan sát viên vội lao ra góc khác của hầm nhưng người đàn bà đã kêu to để đánh động đôi nam nữ. Khi quan sát viên vào được hầm thì đôi nam nữ đã tách rời nhau ra, mặc dù người nam đang “chỉnh lại quần áo”.
Nói chung gái mại dâm (cả người Anh và người nước ngoài) hiện diện phổ biến ở nhiều hầm trú ẩn tránh bom.
Khôi phục lại đức hạnh
Khi chiến tranh kết thúc, giới chức lập tức siết chặt các quyền “tự do” mới này và nỗ lực đưa xã hội trở lại với các tiêu chuẩn đạo đức thời trước chiến tranh. Vào tháng 7/1945, vị Tổng giám mục Geoffrey Fisher của thành phố Canterbury kêu gọi người Anh tránh xa sự hủ hóa và lang chạ thời chiến để quay trở lại với cuộc sống của người Kitô giáo.
Một vài ngày sau đó, David R. Mace, thư ký của Hội đồng Hướng dẫn Hôn nhân, viết trên tạp chí Spectator như sau: “Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại mà đời sống gia đình lại bị tan rã trên một quy mô sánh được với những gì mà người ta chứng kiến trong 6 năm qua”.
Ông này hối thúc trở lại với sự trong trắng: “Chúng ta, thông qua cơ quan giáo dục, phải gây dựng lại các giá trị lành mạnh và các lý tưởng cao đẹp”.
Nói cách khác, Anh Quốc phải trở lại với các giá trị trước chiến tranh.
Và điều này ít nhiều đã diễn ra. Tỷ lệ kết hôn tăng vọt lên 50% trong năm 1946. Phụ nữ được khuyến khích nghỉ việc để đảm nhận thiên chức người mẹ. Truyền thông tập trung vào vai trò truyền thống của nữ giới.
Năm 1951, nhà nhân chủng học Geoffrey Gorer tiến hành một cuộc điều tra xã hội, phỏng vấn hơn 10.000 người về thái độ của họ đối với vấn đề tình dục. Những người được hỏi đa phần nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân và đời sống gia đình so với tình ái và thỏa mãn tình dục. Đa số phản đối việc quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Tuy nhiên xu thế đảo ngược này chỉ là tạm thời. Món ngon khi đã hưởng thì rất khó quên. Nước Anh lại bước vào cuộc “phiêu lưu” mới trong thập niên 1960./.