Năm 1999, Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin nói với người đồng cấp Bill Clinton rằng ông đã chọn Vladimir Putin “kế nghiệp” ông trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Nga – tài liệu được giải mật do Thư viện Tổng thống Bill Clinton ở Little Rock, Arkansas, vừa công bố cho biết.

yeltsin_clinton_dgcg.jpg
Tổng thống Nga Boris Yeltsin gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton tháng 11/1999. (Ảnh: Reuters)

Ghi chép của 18 cuộc trao đổi riêng tư, 58 cuộc điện đàm (từ tháng 1/1993, khi ông Clinton nhậm chức Tổng thống Mỹ, cho đến tháng 12/1999, khi ông Yeltsin từ chức) cũng cho thấy “mầm mống” vì sao một mối quan hệ Nga – Mỹ mà chính ông Clinton khẳng định với ông Yeltsin là “đối tác hợp tác bình đẳng” lại đi đến đối đầu gay gắt như hiện nay.

Boris “gọi”, Bill “không trả lời”

“Ông đã dẫn dắt đất nước qua một giai đoạn lịch sử và ông để lại một di sản giúp người Nga được hưởng lợi trong nhiều năm tiếp theo” – Ông Clinton nói với ông Yeltsin trong một cuộc điện đàm ngày 31/12/1999, khi nhà lãnh đạo Nga bất ngờ tuyên bố từ chức.

“Tôi biết rằng những thay đổi mang tính dân chủ mà ông đã dẫn dắt sẽ giúp nước Nga có thể hội nhập với cộng đồng quốc tế” – ông Clinton cho biết, đồng thời tin rằng các sử gia sẽ gọi ông Yeltsin là “cha đẻ của nền dân chủ Nga”, người đã nỗ lực “để biến thế giới trở thành nơi an toàn hơn”.

Thế nhưng theo RT, mối quan hệ Nga – Mỹ “đối tác hợp tác bình đẳng” mà ông Clinton nói, thực chất dựa trên cơ sở Moscow đã làm theo những gì Washington yêu cầu nhưng không được báo đáp.

Ông Yeltsin đã đề nghị Mỹ rất nhiều thứ, từ việc ủng hộ cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 1996 cho đến lời hứa rằng việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không xâm lấn vào lãnh thổ của các nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ.

Thế nhưng Tổng thống Clinton đã từ chối cái gọi là “hiệp ước quân tử” về chuyện mở rộng của NATO và nói với Tổng thống Yeltsin rằng ông phải thúc đẩy việc mở rộng vì vấn đề chính trị trong nước. Ông Clinton nói, phe Cộng hòa Mỹ đang lợi dụng vấn đề này để giành sự ủng hộ của bộ phận người người Mỹ vốn là con cháu của những người gốc Đông Âu chuyển tới sống ở miền Trung Tây nước Mỹ.

Nam Tư và định mệnh của Crimea

Tổng thống Mỹ chỉ tỏ ra dễ thỏa hiệp hơn khi những yêu cầu của ông Yeltsin liên quan tới việc giúp nhà lãnh đạo Nga củng cố quyền lực ở Moscow.

Trước thềm cuộc bầu cử năm 1996, ông Yeltsin đã vẽ ra một bức tranh ngày tận thế khi đối thủ của ông chiến thắng, rằng họ sẽ “giành lại Crimea” và thậm chí “đòi cả Alaska”.

Tháng 6/1996, ông Yeltsin hỏi vay tiền và các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris (nhóm các nước giàu chuyên cho vay để tái thiết đất nước) đã lập tức tái cơ cấu nợ cho Nga, đồng thời Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng thông qua khoản vay 10,2 tỷ USD cho Nga cuối năm đó.

“Bill, vì chiến dịch tranh cử của tôi, tôi khẩn thiết cần khoản vay 2,5 tỷ USD cho Nga” – ông Boris Yeltsin nói. “Tôi cần tiền để trả lương và lương hưu”.

“Tôi sẽ kiểm tra vấn đề này với IMF và một số người bạn của chúng tôi để xem có thể làm được gì” – ông Clinton đáp lại.

Với sự hậu thuẫn về tài chính của Mỹ cùng một chiến dịch vận động có sự tư vấn từ Mỹ, trong đó bao gồm việc xuất hiện trên bìa tạp chí Time và trở thành chủ đề của bộ phim mang tên “Boris xoay chuyển” (Spinning Boris), ông Yeltsin đã chiến thắng trong cuộc bầu cử đó.

Rồi cũng đến lúc ông Yeltsin phải báo đáp ông Clinton và điều đó xảy ra vào mùa xuân năm 1999.

Để “chặn họng” Boris Yeltsin, khiến Nga không thể lên tiếng phản đối việc NATO tấn công Nam Tư, ông Clinton đã gọi Tổng thống Nam Tư khi đó, ông Slobodan Milosevic, là “một kẻ bắt nạt”, người không được phép “phá hoại mối quan hệ mà chúng ta [Nga và Mỹ] đã nỗ lực suốt 6 năm rưỡi qua để xây đắp”.

Suốt 78 ngày đêm chiến dịch tấn công của NATO, ông Yeltsin như “ngồi trên đống lửa” bởi áp lực bủa vây, đến mức có lúc ông đã phải đề nghị gặp ông Clinton “ở một nơi bí mật nào đó… trên thuyền hoặc tàu ngầm hoặc một hòn đảo để không một ai có thể làm phiền” 2 nhà lãnh đạo này thương thảo.

Ông Yeltsin muốn gặp riêng ông Clinton.

Cuối cùng, chỉ có Tổng thống Clinton là có được mọi điều mà ông yêu cầu trong vấn đề Kosovo và Nam Tư.

Nhưng ông Yeltsin cũng đã cảnh báo nhà lãnh đạo Mỹ rằng, Washington đã để mất “trái tim và khối óc” của người Nga.

“Người dân chúng tôi chắc chắn từ bây giờ sẽ có thái độ rất tệ với người Mỹ và NATO” – ông Yeltsin nói với ông Clinton hồi tháng 3/1999. “Tôi vẫn nhớ mình đã gặp khó khăn thế nào để nỗ lực và xoay chuyển được suy nghĩ của người dân, của các lãnh đạo chính trị đối với phương Tây và với Mỹ. Tôi đã thành công trong việc đó nhưng giờ lại để mất tất cả”.

Cuối năm đó, Yeltsin nói với Clinton rằng ông đã tìm thấy một người kế nhiệm xứng đáng - Vladimir Vladimirovich Putin.

Người “tiếp tục con đường của Yeltsin”

Trong một ghi chép điện đàm ngày 8/9/1999, ông Yeltsin đã chia sẻ với ông Clinton về lựa chọn của ông cho vị trí Tổng thống Nga trước thềm cuộc gặp của Tổng thống Mỹ với ông Putin.

“Tôi rất tin tưởng rằng ông ấy sẽ nhận được sự ủng hộ với tư cách là ứng cử viên năm 2000. Chúng tôi đang nỗ lực vì điều đó” – ông Yeltsin nói.

Tổng thống Nga khi đó cũng cho biết ông đã dành rất nhiều thời gian tìm kiếm ứng cử viên phù hợp. “Cuối cùng, tôi đã lướt qua anh ta, đó là Putin, và tôi đã tìm hiểu tiểu sử của anh ta, sở thích, hiểu biết và nhiều thứ khác” – ông Yeltsin nói.

Ông Yeltsin miêu tả ứng viên 46 tuổi khi đó là “một người đàn ông rắn rỏi”, đồng thời rất “sâu sắc, mạnh mẽ và dễ gần”.

“Tôi chắc chắn ông sẽ nhận thấy ông ấy là một đối tác có phẩm chất rất cao” – ông Yeltsin nói với ông Clinton.

Ông Yeltsin nói với ông Clinton về ông Putin.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Nga khi đó, ông Vladimir Putin, đã gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Aukland, New Zealand, diễn ra từ ngày 9-12/9/1999.

Không lâu sau, trong một cuộc trao đổi năm 1999, ông Clinton có hỏi ông Yeltsin về việc ai có thể đắc cử Tổng thống Nga, ông chủ Điện Kremlin lúc đó đã trả lời: “Putin, tất nhiên là thế. Ông ấy sẽ là người kế nhiệm. Ông ấy là một người dân chủ và ông ấy hiểu phương Tây”.

Cựu Tổng thống Nga đã nhắc tới Putin bằng hình ảnh một con người cứng rắn và kiên trì với con đường hướng tới nền dân chủ, phát triển kinh tế và thiết lập mối quan hệ mới cho nước Nga.

“Ông ấy sẽ tiếp tục con đường trên nền dân chủ và kinh tế, sẽ mở rộng quan hệ của Nga. Ông ấy có năng lượng và trí tuệ để thành công” – ông Yeltsin nói trong lần cuối 2 nhà lãnh đạo Nga – Mỹ khi đó gặp nhau ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 11/1999.

Cũng tại cuộc Thượng đỉnh đó, ông Yeltsin đã kêu gọi ông Clinton “hãy để châu Âu cho Nga”.

“Mỹ không ở châu Âu. Châu Âu nên là chuyện của người châu Âu. Nga có một nửa châu Âu và một nửa châu Á… Bill, tôi nói nghiêm túc, hãy để châu Âu lại cho chính châu Âu” – ông Yeltsin nói rõ.

Đoạn trao đổi về châu Âu giữa ông Clinton và ông Yeltsin.

Tất nhiên ông Clinton đã lịch sự phớt lờ yêu cầu đó. Còn Boris Yeltsin trong mắt hậu thế trở thành một con người dành gần 7 năm trời chỉ để làm mọi thứ mà Washington yêu cầu mà gần như chẳng được nhận lại gì.

Dưới thời Yeltsin, nước Nga phá sản, yếu đuối và để cho Mỹ tận hưởng “khoảnh khắc đơn cực” mà giới học giả như Francis Fukuyama gọi là “dấu chấm hết của lịch sử”, RT bình luận.

Nhưng di sản của Yeltsin có lẽ không nằm ở đó. Trong nước cờ cuối cùng của mình, ông đã chọn được một người “tiếp tục con đường của Yeltsin”, mà sau này dưới thời cầm quyền của người đó, bán đảo Crimea đã sáp nhập Nga, còn NATO thì chưa bao giờ cảm thấy sợ Moscow mở rộng tầm ảnh hường sang phía Tây, thậm chí xuống cả Trung Đông như lúc này./.

Ông Putin lần đầu được bầu làm Tổng thống Nga năm 2000 và tái đắc cử năm 2004 nhưng Hiến pháp Nga khi đó không cho phép ông tiếp tục tranh cử năm 2008. Ông chuyển sang giữ chức Thủ tướng Nga và trong thời gian này, Hiến pháp đã được sửa đổi để kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống. Năm 2012, ông Putin một lần nữa được bầu làm Tổng thống Nga và tái đắc cử thêm 1 nhiệm kỳ 6 năm nữa hồi tháng 3 vừa qua./.