“Đập đã vỡ” – Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bob Corker bình luận hôm 17/7, chỉ 1 ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan, mà ở đó ông Trump đã có phát ngôn nhầm lẫn khiến “bão” chính trị nổi lên khắp nước Mỹ.

bieu_tinh_nha_trang_bcui.jpg
Biểu tình phản đối ông Trump ngay trước Nhà Trắng đêm 16/7, khi Tổng thống Mỹ trở về sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan. (Ảnh: NYT)

Nhưng liệu con đập ẩn dụ mà ông Corker nói có thực sự đã vỡ? “Giọt nước” có thực “tràn ly” đối với đảng Cộng hòa và nếu đúng thì trong bao lâu?

Trong khi ông Trump loay hoay khắc phục “sự cố” bằng cách giải thích lại ý định của ông trong những phát ngôn tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Putin, câu hỏi đặt ra là liệu ông đã thực sự đẩy tình hình đến “bước ngoặt” thực sự hay chỉ là một giai đoạn kịch tính với rất nhiều tranh cãi và chia rẽ nhưng rồi tất cả lại lùi vào dĩ vãng khi “sự cố” khác xuất hiện.

Dường như tình hình lần này có sự khác biệt, ít nhất là đến lúc này - New York Times bình luận.

Khó có thể bênh vực ông Trump

Sau khi tỏ ra đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin trước cáo buộc của các cơ quan tình báo ở Washington về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Tổng thống Donald Trump bị cho là không chỉ kém cỏi trong việc đánh giá, nhận định tình hình, mà còn bị buộc tội “phản quốc”.

Ông Trump trở về Nhà Trắng đêm 16/7 trong bối cảnh nhiều người biểu tình bên ngoài hô lớn: “Chào mừng trở về, kẻ phản bội”. Theo New York Times, lượt tìm kiếm từ khóa “phản quốc” (treason) đã tăng gần 30 lần sau cuộc gặp Nga – Mỹ. Trên mạng xã hội yêu thích của ông Trump – Twitter - từ “kẻ phản bội” (Traitor) được nhắc đến 800.000 lần và từ “phản quốc” được nhắc đến 1,2 triệu lần.

“Nếu có bất cứ ai bị gọi là ‘kẻ thù của người dân’ thì đó chính là bản thân ông Trump” - Max Boot, một người từng theo phe Cộng hòa nhưng nay trở thành một trong người phê phán ông Trump gay gắt nhất, bình luận trên Washington Post.

Cáo buộc đó không chỉ đến từ các nhà quan sát hay các chuyên gia phân tích mà chính từ cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, người gần đây nổi lên như là một trong những người mạnh miệng phê phán ông Trump nhất.

cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan. (Ảnh: NYT)

Trong lịch sử Mỹ, những cáo buộc về tội “phản quốc” không phải chưa từng được đưa ra tranh luận gay gắt, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên vấn đề này trở thành cuộc thảo luận sôi nổi trên khắp cả nước, giữa một nhiệm kỳ Tổng thống được xem là chưa từng có tiền lệ ở thời hiện đại.

Đối với những người bênh vực Tổng thống Donald Trump, việc ông đưa ra những tuyên bố thái quá cũng chỉ là một cách nói thay vì bộc lộ con người thật của ông.

Trong lúc Tổng thống Mỹ đang cố gắng “tua” lại những bình luận của ông tại cuộc gặp Tổng thống Putin ngày 16/7 và nói rõ là ông thực sự chấp nhận kết luận của các cơ quan tình báo rằng Nga can thiệp cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016, các đồng minh của ông cố gắng “xí xóa” chuyện này khi cho là rồi nó cùng sớm qua đi.

Nhưng danh sách những chính trị gia Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Trump không chỉ có những cái tên quen thuộc như Thượng nghị sỹ Corker, người định nghỉ hưu khi hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2019.

Danh sách đó còn có những người vốn được coi là “bạn” của ông Trump như cựu Chủ tịch Ha viện Newt Gingrich, người gọi màn thể hiện ông Trump ở Phần Lan vừa rồi là “sai lầm nhiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông”.

Truyền thông Mỹ phản ứng ra sao? Trang chủ của New York Daily News đăng dòng tít lớn với cụm từ “tội phản quốc trắng trợn” (Open treason). Nhẹ nhàng hơn, Wall Street Journal gọi đó là “nỗi xấu hổ của quốc gia”. Thậm chí những bình luận viên của Fox News vốn thân thiện với ông ông Trump cũng tỏ ra ngạc nhiên, trong đó có Neil Cavuto và Abby Huntsman, người có cha là Jon Huntsman, Đại sứ Mỹ tại Nga hiện nay.

Lá chắn cuối cùng

Một số lãnh đạo phe Cộng hòa như Thượng nghị sỹ bang Kentucky Mitch McConnell hay Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan có phản ứng thận trọng hơn khi cố gắng “gắp lửa bỏ tay” Nga thay vì chĩa mũi giáo về phía Tổng thống Donald Trump.

Nhưng họ cũng tìm cách thể hiện sự khác biệt và duy trì khoảng cách nhất định với ông Trump trong vấn đề Nga, có lẽ là bằng cách lệnh trừng phạt mới với Moscow hay điều trần để “xoay” những thành viên chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các chính gị gia Cộng hòa khác cũng tìm cách tránh bầu không khí đối đầu.

“Tôi ước gì ông ấy đã nói trước mặt Tổng thống Putin và cả thế giới” – Thượng nghị sỹ Rob Portman chia sẻ với Fox News. “Tôi tin lời ông ấy rằng ông ấy đã nói nhầm, chắc chắn là thế”.

Việc Nga trở thành một chủ đề dễ gây tranh cãi trong nội bộ đảng Cộng hòa chỉ là 1 dấu hiệu cho thấy chính trường Mỹ đã bị đẩy đi xa đến đâu dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Nếu như trước đây các chính trị gia Cộng hòa chê trách cựu Tổng thống Barack Obama khi ông tuyên bố sẽ “linh hoạt” hơn để hợp tác với ông Putin sau khi tái đắc cử, thì nay nhiều người trong số họ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi ông Trump đối xứ với Tổng thống Nga như một người bạn đáng tin cậy.

Các Tổng thống trước đây của Mỹ, không chỉ ông Obama mà cả ông Bush, đều tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt với Nga và với cá nhân ông Putin nhưng chưa có ai “mắt nhắm, mắt mở” với những hành động bị coi là thù địch của Nga hay bênh vực Moscow trước cáo buộc của các cơ quan tình báo trong nước.

Nhưng “từ ‘phản quốc’ là quá mạnh nên chúng ta cần sử dụng nó một cách thận trọng” – cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Eliot Cohen nhận định.

Mặc dù vậy, cựu Giám đốc CIA khẳng định ông ý thức được sự nặng nhẹ của từ “phản quốc” mà ông dùng để cáo buộc Tổng thống Trump.

“Tôi tin chắc [cố Tổng thống] Ronald Reagan nghe những gì ông Trump nói cũng không thể tin được.” – ông Brennan nói./.