Theo kịch bản này, khi đó nước Anh vướng phải chiến tranh hạt nhân tàn khốc và các thành phố của Anh bị san phẳng, hàng triệu người thiệt mạng, những ai sống sót phải vật lộn như chuột trong đống đổ nát.
Tranh vẽ mô phỏng một vụ tấn công hạt nhân giả định vào trung tâm thủ đô London. Ảnh: Getty. |
Trên phố, các bóng người như ma vật vờ tìm kiếm thức ăn và nước uống. Tại các nhà kho đặc biệt của chính phủ Anh, cảnh sát vũ trang đứng gác, sẵn sàng bắn những kẻ ăn cắp lảng vảng gần đó.
Các gia đình Anh phải sống trong các căn hầm tạm bợ để tránh phóng xạ sau khi nước Anh trúng phải vũ khí hạt nhân của đối phương. Nguồn lương thực của họ giảm dần trong khi thi thể người thân họ trong phòng khách bắt đầu thối rữa.
Các điều kinh khủng này được miêu tả trong tập hồ sơ ẩn sâu trong Tàng thư Quốc gia Anh ở phố Kew, nửa phía tây của thành phố London.
Tài liệu này được giới thiệu trong khuôn khổ một cuộc triển lãm đặc biệt về cuộc diễn tập tuyệt mật của Anh (mang mật danh Wintex-Cimex 81) nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng của nước Anh cho một cuộc Thế chiến thứ 3.
Đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, Anh cân nhắc dùng đòn hạt nhân
Kịch bản này bắt đầu vào tháng 3/1981 – đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh giữa phe tư bản phương Tây (do nước Mỹ của Ronald Reagan và nước Anh của Margaret Thatcher dẫn dắt) và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu.
Việc xảy ra chiến tranh giả định đó được kích hoạt bằng việc Liên Xô tập trung quân ở vùng Balkan.
Tình hình thế giới căng thẳng, còn trong nội bộ nước Anh, bạo loạn bắt đầu nổ ra. Trong vài ngày, các ga đường sắt tràn ngập người rời bỏ thủ đô nước Anh. Các con đường xuất phát từ London, Manchester, và Birmingham bị tắc nghẽn giao thông.
Chính quyền Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng các cửa hàng đã cạn kiệt than đá, dầu, ắc quy và nến, trong khi nhiều hãng dược phẩm thì đã hết thiết bị sơ cứu.
Vào ngày 14/3/1981, sau khi nghe những báo cáo đầu tiên về đụng độ ở Balkan và Trung Đông, một cuộc biểu tình phản chiến quy mô lớn nổ ra ở London thu hút sự tham gia của các nghị sĩ Anh cánh tả, các lãnh đạo công đoàn...
Tình hình sau đó rất hỗn loạn, và cảnh sát Anh nhập cuộc để bắt giữ lãnh đạo Công đảng Anh.
Đêm hôm sau, chiến tranh dường như không thể tránh khỏi. Theo kịch bản, phe XHCN đã kiểm soát Nam Tư, và chính phủ Anh công bố một cuộc tấn công nhằm vào phương Tây dự kiến diễn ra trong vài tiếng đồng hồ tiếp theo.
Tâm lý hoảng loạn lan khắp nước Anh. Báo chí Anh đầy các bài giới thiệu cách xây hầm trú ấn tại nhà riêng và hối thúc người dân ở yên trong đó cho đến khi nghe thấy thông báo mọi thứ đã yên ổn.
Bản đồ của Anh trong trường hợp bị tấn công bằng bom hạt nhân. Ảnh: PA. |
Vào ngày 16/3/1981, theo kịch bản, Liên Xô sử dụng các oanh tạc cơ mở các cuộc tấn công vào các căn cứ của nước Anh. Vương quốc Anh đã lâm chiến.
Ngày tiếp theo, đợt tấn công kế tiếp của đối phương đã phá hủy lực lượng phòng không Anh.
Mỗi giờ có khoảng 15.000 người sơ tán sang miền tây nước Anh và xứ Wales để lánh nạn. Ở vùng nông thôn Anh, các nông dân buộc phải dùng súng săn để xua đuổi những băng đảng thanh niên.
Cuối cùng, vào sáng 20/3/1981, nội các của nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher họp để xem xét điều tồi tệ nhất. Với việc lực lượng Liên Xô đột kích vào Tây Đức, thất bại của phe tư bản châu Âu dường như tất yếu. Khi ấy họ chỉ còn duy nhất một sự lựa chọn.
Các tư lệnh NATO đã xin phép được phóng vũ khí hạt nhân vào các căn cứ đối phương ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary và Bulgaria nhằm “cứu” phương Tây tư bản khỏi sự sụp đổ.
Biên bản chính thức ghi lại: “Chưa bao giờ trước đó Nội các lại phải đối mặt với một sự lựa chọn nghiệt ngã giữa việc bị sụp đổ và việc kích hoạt một hành động có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại”.
Thủ tướng Thatcher đồng ý hành động. Tên lửa đã được phóng trước lúc bình minh của sáng hôm sau. Vào lúc người dân Anh tỉnh giấc, thảm hỏa hạt nhân đã bắt đầu.
Viết đến đây, tài liệu mật kết thúc.
Nguy cơ thật, ám ảnh đầu óc dân Anh
Kịch bản diễn tập này nghe có vẻ điên rồ trong bối cảnh hiện tại nhưng vào năm 1981, đây được coi là một khả năng có thật.
Trong thời kỳ từ năm 1945 (ngay sau Thế chiến 2) đến năm 1989 (khi Bức tường Berlin sụp đổ), nước Anh thực sự sống trong nỗi sợ hãi về khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt.
Theo cuộc triển lãm, đây là một xung đột sâu rộng, gắn vào hầu hết mọi khía cạnh đời sống hàng ngày ở Anh, bao gồm cả chiến tranh gián điệp và tên lửa.
Nước Anh thời Chiến tranh Lạnh xuất hiện những nhân vật đào tẩu và điệp viên nhị trùng, từ những người phản bội ở Cambridge đến những công dân Liên Xô đào tẩu trong đó có nhân vật Oleg Gordievsky – người đã trao cho Thủ tướng Thatcher thông tin tình báo quan trọng về các điểm yếu trong chế độ Xô viết thập niên 1980.
Cuộc triển lãm Tàng thư Quốc gia Anh còn trưng bày cả danh sách những người có tiềm năng phản bội chính quyền Anh, do George Orwell biên soạn cho cơ quan an ninh Anh MI5 vào năm 1949. Trong danh sách có tên của danh hài cánh tả Charlie Chaplin, sử gia E.H. Carr và thậm chí cả lãnh đạo Công đảng Anh.
Trung Quốc và Liên Xô từng suýt bước vào chiến tranh hạt nhân
Việc hai trái bom nguyên tử lần lượt được thả lên 2 thành phố Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã tác động mạnh vào cách nhìn nhận của giới chức Anh. Trong một tài liệu, Thủ tướng Anh Clement Attlee viết: “Thời gian rất ngắn, và cần phải có một hành động táo bạo”.
Thủ tướng Attlee là người cứng rắn trong bảo vệ an ninh quốc gia của Anh. Ông ta và Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin là các nhân vật chủ chốt trong quá trình thiết lập khối quân sự NATO.
Vào năm 1946, Bevin nói với các đồng nghiệp trong nội các rằng nước Anh không thể chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà phải có khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình. “Chúng ta phải có được điều này bằng mọi giá”, ông ta nói.
Đến năm 1952 nước Anh đã sở hữu được bom hạt nhân nhưng nỗi sợ về khả năng bị Liên Xô tấn công hạt nhân vẫn rất cao.
Khi xảy ra khủng hoảng tên lửa Cuba vào thời điểm 10 năm sau đó, nhiều người dân Anh đã thực sự không ngủ nổi - họ nơm nớp lo sợ rằng mình sẽ bị đánh thức để chứng kiến một “cây nấm” hạt nhân khổng lồ qua cửa sổ giường ngủ.
Tại cuộc triển lãm đặc biệt này còn có cả hướng dẫn đầy ám ảnh về việc xử lý thi thể người thân trong gia đình.
Đoạn hướng dẫn như sau: “Nếu ai đó chết khi bạn đang ở trong phòng trú tránh phóng xạ hạt nhân, hãy di chuyển thi thể đó sang phòng khác trong nhà. Gắn tên và địa chỉ cho xác và che đậy thật kín bằng nhựa dẻo polythene, giấy, ga giường hoặc chăn”.
Ngoài ra còn có hướng dẫn về cách làm toilet tạm thời.
Năm 1983 một nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Anh ước tính 33 triệu người có khả năng sẽ thiệt mạng trong một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô. Ngoài những người chết tức thời sau khi bom hoặc tên lửa hạt nhân phát nổ, sẽ có nhiều người nữa chết dần dần vì nhiễm phóng xạ.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người tưởng chuyện này đã là dĩ vãng xa xôi. Nhưng tình hình thế giới bất ổn ngày nay vẫn tiếp tục đặt ra nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt Trái Đất./.