Không ai trong số các cư dân tại Bexleyheath, đông nam thủ đô London, Anh, lại có thể tưởng tượng được rằng người hàng xóm tốt bụng của họ - cụ bà Melita Norwood từng là một trong những gián điệp quan trọng nhất của Liên Xô được cài cắm ở Anh.
Bà Melita Norwood đang xem lại các bức ảnh thời trẻ của mình. Ảnh: Daily Mail. |
Trong khoảng 35 năm, nữ điệp viên Norwood đã sao chép và chuyển cho Liên Xô hàng trăm tài liệu mật về chương trình hạt nhâncủa Anh. Với sự hỗ trợ của bà, Stalin có được sự hiểu biết sâu về chương trình vũ khí nguyên tử của Anh, thậm chí còn chi tiết hơn cả một số thành viên trong nội các thủ tướng Anh Clement Attlee thời bấy giờ.
Bà Melita Norwood, tên khai sinh là Melita Sirnis, sinh năm 1912 Pokesdown (quận Dorset, Anh), trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ đầu những năm 1930, Norwood đã đứng trong hàng ngũ những người cộng sản ở Anh. Tại thời điểm đó, bà cũng được thuê làm thư ký tại Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm của Anh, phụ trách phát triển công nghệ hạt nhân. Đến năm 1937, Melita được tình báo Liên Xô tuyển dụng và bắt đầu làm việc cho cơ quan này.
Ở vị trí trung tâm trong chương trình hạt nhân của Anh
Norwood đã tiếp cận trực tiếp tất cả thông tin chi tiết về chương trình hạt nhân của Anh có tên gọi “Tube Allyos”. Lãnh đạo của Norwood là G. L. Bailey - một thành viên của ủy ban cố vấn Dự án Tube Alloys hoàn toàn tin tưởng bà. Nhờ vậy mà Norwood có thể tiếp cận với 2 kho tài liệu của ông Bailey: một ở văn phòng và một ở nhà riêng của ông tại London. Norwood đã chụp lại những thư từ tuyệt mật, các báo cáo khoa học, bản phân tích … và giao nộp cho Liên Xô. Theo các nhà phân tích, những thông tin bí mật do Norwood cung cấp đóng vai trò quan trọng giúp Liên Xô xây dựng thành công chương trình bom nguyên tử. Liên Xô đã cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1949, sớm hơn 4 năm so với dự đoán.
Ông David Burke một người bạn của Norwood đồng thời là tác giả cuốn sách: “Điệp viên - người đến từ sự hợp tác” nhận xét rằng: “Những thông tin mà Melita cung cấp là vô giá đối với Liên Xô, giúp họ tăng tốc chương trình phát triển bom hạt nhân. Họ có thiết kế của nhà vật lý Klaus Fuchs – người khai thác thông tin từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos để chuyển cho Liên Xô, nhưng họ không có uranium vì họ không biết cách kiểm soát uranium trong lò phản ứng bởi chất này dễ bị ăn mòn. Tuy nhiên, các chuyên gia của Anh đã giải quyết thành công vấn đề này kể từ năm 1941 và đây là nguyên liệu Norwood trao cho người Liên Xô”.
Nhờ những đóng góp to lớn đó, Melita Norwood, có biệt danh “Điệp viên Hola” được đánh giá cao tại Liên Xô, thậm chí còn hơn cả điệp viên hai mang lừng danh người Anh Kim Philby. Bà được coi là một “điệp viên nghiêm túc và tận tụy, người làm mọi thứ có thể để giúp đỡ tình báo Liên Xô”.
Lộ thân phận
Lần lượt vào các năm 1945 và 1965, cơ quan tình báo MI5 của Anh đã nghi ngờ về thân phận thực sự của Norwood nhưng cả hai lần đó họ đều không có đủ bằng chứng. Đến năm 1972, bà đã lặng lẽ nghỉ việc tại Hiệp hội khoa học nghiên cứu kim loại hiếm của Anh và tại cơ quan tình báo Liên Xô.
Bí mật chỉ được biết đến 20 năm sau đó khi Vasili Mitrokhin, cựu quan chức của Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đào tẩu sang Anh và tiết lộ một lượng lớn hồ sơ về các điệp viên Liên Xô trong đó có Melita Norwood. Tuy nhiên do tuổi già sức yếu, “Điệp viên Hola” không bị bắt giữ và cũng không bị thẩm vấn. Chính phủ Anh lúc đó cho rằng họ sẽ chẳng nhận được gì khi bắt giam “nữ điệp viên già” và quyết định để bà sống yên ổn tại nhà riêng ở Bexleyheath.
Cho đến tận khi qua đời vào năm 2015, Melita Norwood chưa từng hối hận về những gì bà đã làm. Làm việc cho Liên Xô là một vấn đề nguyên tắc đối với bà. Bà thậm chí đã từ chối khoản trợ cấp bí mật suốt đời từ Liên Xô nhưng vui mừng nhận được Huân chương Cờ đỏ vẻ vang. “Tiền không phải điều tôi quan tâm. Tôi muốn Nga có cơ hội bình đẳng với phương Tây trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân”./.
Mỹ tiếp tục kêu gọi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân
Tổng thống Trump từng kêu gọi Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân sang Mỹ
Chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ: răn đe và phòng thủ