Những “điệp viên cánh trắng”
Ngày 8/9/1941, Cụm tập đoàn quân phương Bắc của Đức Quốc xã đã đánh chiếm thành phố Schlisselberg của Liên Xô và siết chặt vòng vây trên bộ xung quanh thành phố Leningrad (nay là St. Petersburg), khiến khoảng 500.000 binh sỹ Liên Xô, cùng với gần như toàn bộ lực lượng Hải quân Baltic và 3 triệu người dân bị mắc kẹt.
Tuyến đường duy nhất còn lại kết nối thành phố Leningrad với đất liền đi qua hồ Ladoga. Vào mùa hè, chính tuyến đường huyết mạch này – nơi thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công của quân đội Đức, đã được sử dụng để phá vỡ vòng vây Leningrad, cho phép tàu chở quân nhu và các đoàn xe tải đi vào bên trong.
Đến mùa Đông năm đó, người ta nhìn thấy “những điệp viên cánh trắng” đang nhẹ nhàng lướt đi trên Hồ băng Ladoga. Đó là những chiếc thuyền trượt băng của Liên Xô và họ đã có nhiều đóng góp vô giá cho việc bảo vệ Leningrad.
Hai biệt đội thuyền trượt băng được thành lập vào năm 1941 tại câu lạc bộ du thuyền “Trud”. Họ bao gồm những vận động viên dày dặn kinh nghiệm và các thủy thủ trẻ nắm vững kỹ năng điều khiển thuyền trượt băng. Gần 30 con thuyền bắt đầu hoạt động vào tháng 11/1941 với thủy thủ đoàn bao gồm các đơn vị lái thuyền và xạ thủ.
Nhờ sức gió mạnh, các con thuyền có có thể di chuyển với tốc độ lên đến 80km/giờ, vận chuyển những hàng hóa nhỏ và sơ tán người dân đang đối mặt với nạn đói ra khỏi thành phố.
Cựu đô đốc Yury Panteleev nhớ lại: “Không ai tin được họ có thể vượt qua hồ Ladoga bằng thuyền trượt băng trong vòng 20 đến 25 phút. Những người được sơ tán đã nài nỉ đừng bỏ rơi họ. Nhưng mọi nghi ngờ đều tan biến khi họ được đứng trên đất liền. Nhiều phụ nữ bật khóc vì nghĩ họ sẽ bị bỏ lại trên băng, nhưng sau khi đến những căn nhà tạm và được sưởi ấm, họ đã ôm và cảm ơn các thuyền viên của chúng tôi”.
“Nhỏ nhưng có võ”
Các thuyền trượt băng của Liên Xô có nhiệm vụ giám sát tuyến đường huyết mạch và phát hiện những toán quân địch đang tiến đến gần. Họ cũng cung cấp thông tin liên lạc khẩn cấp cho các lực lượng ở bờ bên kia, bảo vệ các đoàn xe chở hàng và xe tải.
Trong trường hợp cần vận chuyển khí đốt khẩn cấp cho các phương tiện hoặc cung cấp thực phẩm, cứu hộ thì những chiếc thuyền trượt băng sẽ là phương tiện được huy động đầu tiên.
Những lỗ hổng trên mặt băng hình thành sau các vụ nổ tạo ra một mối nguy hiểm đặc biệt. Chúng thường nhanh chóng phát triển một lớp băng mỏng trên bề mặt và lớp băng này rất khó quan sát do tuyết rơi hoặc vào ban đêm – thời điểm mà các đoàn xe tải hay đi lại để tránh nguy cơ bị lực lượng phòng không của đối phương phát hiện.
Những chiếc thuyền trượt băng đi phía trước xe tải sẽ khảo sát tuyến đường một cách cẩn thận. Chúng được dùng để phát hiện những lỗ hổng trên sông băng và cảnh báo lái xe những mối nguy hiểm đang ở phía trước.
Nhưng không phải lúc nào thuyền trượt băng cũng có thể được kéo ra khỏi hố một cách dễ dàng nếu chẳng máy đi vào đó. Đôi khi chúng cần được tháo rời ở dưới nước và kéo từng bộ phận lên trước khi lắp ráp lại. Tất cả công việc này sẽ do các thủy mặc trang phục bảo hộ chống thấm nước thực hiện trong điều kiện thời tiết giá lạnh, đôi khi xuống âm 20 độ C.
Những “điệp viên cánh trắng” này của Hồng quân Liên Xô thậm chí còn di chuyển nhanh hơn xe tải và ngựa. Chúng không cần khí đốt, thức ăn, hoặc cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều hạn chế đáng chú ý. Chẳng hạn như khi bề mặt của hồ Ladoga bị bao phủ bởi một lớp tuyết dày, các thủy thủ sẽ phải sử dụng ván trượt hoặc đi bộ./.