Sự thay đổi nguy hại nhất trong cách hiểu về chiến tranh thông qua báo chí nảy sinh từ điều mà chỉ một vài năm trước đây dường như vẫn còn là một diễn biến hoàn toàn tích cực.
IS bắt truyền thông “phục vụ” mình
Truyền hình vệ tinh và việc sử dụng thông tin được cung cấp bởi Youtube, Blogger và báo mạng xã hội đã từng được coi là những phát minh cởi bỏ sự kìm kẹp trong giai đoạn đầu của cách mạng Mùa Xuân Arab. Sự độc quyền thông tin của những nhà nước do cảnh sát nắm quyền từ Tunisia đến Ai Cập và Bahrain đã bị phá vỡ.
Tuy nhiên, diễn biến nổi dậy ở Syria đã lại cho thấy truyền hình vệ tinh và Internet cũng có thể bị lạm dụng vào việc tuyên truyền và gieo rắc hận thù.
Ý tưởng, hành động, và mục tiêu của các chiến binh thánh chiến Sunni dòng chính thống được đăng tải hàng ngày trên các kênh truyền hình vệ tinh, Youtube, Twitter và Facebook. Chừng nào mà những phương tiện truyền thông này còn tồn tại thì những nhóm quân kiểu như al-Qaeda sẽ không bao giờ thiếu tiền và thiếu người để tuyển mộ.
Phần lớn nội dung được các chiến binh thánh chiến phát tán đi là gieo rắc sự hận thù đối với người Shiite, cũng đôi khi đối với cả người Cơ đốc giáo, Hồi giáo Sufi và Do Thái.
Nội dung tuyên truyền kêu gọi là sự ủng hộ cho cuộc thánh chiến ở Syria, Iraq, Yemen và bất cứ nơi nào khác có cuộc Thánh chiến diễn ra. Một bài đăng tải trên mạng gần đây còn khoe bức ảnh của một kẻ đánh bom tự sát với một khuôn mặt rất đỗi lãng mạn đã “tử vì đạo” khi tiến hành tấn công vào một đồn cảnh sát ở Sinai, Ai Cập.
Xem một loạt các bài đăng trên mạng như vậy, điều gây ấn tượng không chỉ là tính bạo lực và tư tưởng xúi giục bè phái mà chính là sự chuyên nghiệp trong kỹ nghệ truyền thông đi kèm theo đó.
Những chiến binh thánh chiến có thể là khát khao trở về với những chuẩn mực của đạo Hồi thời kỳ đầu nhưng những kỹ năng mà họ sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại và Internet thì đi trước cả các phong trào chính trị trên thế giới.
Bằng việc ghi lại bằng hình ảnh mọi thứ mà chúng làm, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã khuếch đại lên nhiều lần tác động chính trị của những việc làm đó. Những tay súng IS chiếm lĩnh mạng xã hội và sản xuất ra nhiều thước phim man rợ và cũng rất bài bản để minh họa cho sự cam kết của những tay súng khi nhận diện và sát hại kẻ thù.
Truyền thông chính thống đã “lỗi thời”?
Chính quyền Iraq chọn cách tiếp cận với truyền thông là tìm cách duy trì tinh thần bằng cách hạ thấp những thành công của IS, nhấn mạnh vào chủ nghĩa yêu nước và khẳng định rằng Baghdad sẽ không thể bao giờ gục ngã. Tuy nhiên, cách tuyên truyền thô thiển như vậy thường ra chỉ khiến cho người xem chuyển kênh sang truyền hình al – Arabiya có trụ sở ở Dubai nhưng do Saudi Arabia làm chủ sở hữu hoặc chuyển sang những kênh truyền hình nào khác có phát những hình ảnh về các sự kiện đang diễn ra trên khắp đất nước, mà như vậy lại chẳng hóa ra tạo lợi thế để cho IS tuyên truyền.
Đối ngược với sự tinh vi trong kỹ thuật sản xuất những thước phim của các tay súng, nội dung trong đó lại thường là kêu gọi sự chia tách bè phái và mang tính bạo lực hết sức dã man.
Điển hình như ba bức ảnh chụp từ Iraq. Một bức chụp hai người đàn ông mặc đồng phục, tay bị trói sau lưng, nằm chết ở nơi có bề mặt nhìn giống như là nền xi măng. Máu chảy ra từ đầu họ như thể họ vừa bị bắn hoặc bị cắt cổ. Chú thích cho bức ảnh này là dòng chữ: “Shiite không có thuốc chỉ có kiếm – những thắng lợi của Anbar”.
Bức ảnh thứ hai chụp hai người đàn ông mang vũ khí đứng bên hai thi thể, được chú thích là thành viên của phong trào Bừng tỉnh của Sunni chống lại al – Qaeda tại tỉnh Salah ad-Din ở Iraq.
Bức ảnh thứ ba là một nhóm binh lính Iraq đang cầm cờ hiệu trung đoàn nhưng những dòng chữ trên đó đã bị thay đổi để nhục mạ người Sunni: “Chúa chửi mắng Omarr và Abu Bakr (tức là hai nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Hồi giáo Sunni).
Những bài đăng tải trên Internet cũng thường mang nội dung lời kêu gọi ủng hộ tiền bạc từ các giáo chức và chính trị gia Sunni để tài trợ cho chiến binh thánh chiến. Có một đợt kêu gọi mà người ta tuyên bố đã quyên góp được 2.500 USD cho mỗi tay súng nằm trong số 12.000 tay súng mà nhóm kêu gọi gửi sang Syria.
Một đợt kêu gọi khác lại có một bức ảnh chụp 7 cái kệ giống như những kệ hàng của một cửa hàng bán lẻ, nhưng nhìn kỹ thì hóa ra mỗi thứ được trưng bày trên đó là một loại lựu đạn khác nhau. Dòng chú thích đề dưới bức ảnh này là: “Thuốc mujahedeen của Anbar cho người Shia”.
Những hình ảnh của IS xuất hiện với những tù binh bị các tay súng bịt mặt tống lên các xe tải và sau đó nằm úp mặt trong một con hào nông trong khi tay bị trói sau lưng. Bức ảnh cuối cùng là cảnh thi thể của lính tù binh người đầy máu me. Họ có thể là những người Shiite hiện chiếm số đông trong hàng ngũ quân đội Iraq.
Các chú thích cho các bức ảnh trên cho thấy vụ tàn sát này được tiến hành để trả thù cho cái chết của tư lệnh IS Abdul-Rahman al-Beilawy. Có tin tên này bị giết ngay trước khi IS tiến hành đợt tấn công bất ngờ tràn qua miền bắc Iraq chiếm cứ các thành trì của người Sunni ở Mosul và Tikrit vào giữa tháng 6/2014.
Không chỉ có tài khoản Twitter và Facebook được các chiến binh sử dụng. Hai đài truyền hình ở Ai Cập (có tin là được tài trợ bởi Saudi Arabia và Kuwait) là Safa và Wesal, đã tuyển mộ các phóng viên và bình luận viên có tiếng là thù địch với người Shiite.
Chính phủ Iraq đối phó bằng cách đóng cửa một số “đài truyền hình địch” cũng như các dịch vụ Facebook, Youtube, Twitter và các dịch vụ Internet khác nhưng người Iraq cũng nhanh chóng tìm ra nhiều cách để vòng qua sự kiểm duyệt chính thức. Những người ủng hộ IS liên tục tải hàng loạt các bức ảnh thi thể kẻ địch trên Twitter.
Càng cố ngăn chặn, người dân Hồi giáo càng tìm đến IS
Những người rao giảng về sự hận thù cũng vậy, họ có thể kích động số đông những người cổ động trên Youtube. Sheikh Mohammad al-Zughbi là một blogger được nhiều người biết đến ở Ai Cập đã xin với Chúa bảo vệ Ai Cập khỏi những “kẻ phản bội mang tội và những người Shia mắc tội,” cũng như khỏi những kẻ Do thái và những Kẻ tiến hành cuộc thập tự chinh.
Một bài giảng khác có tên là “Ôi Syria, chiến thắng đang về đây” nói rằng Tổng thống Assad đang “tìm kiếm sự hỗ trợ của những kẻ Ba Tư, Shia, những kẻ phản bội và những kẻ tội phạm người Shia.”
Những lời nói sáo rỗng đó xem ra chỉ có thể nhắm đến một số độc giả nhỏ, mê muội nhưng không phải, số lượng người xem lại cho thấy nó được rất, rất nhiều người xem. Các nhà quan sát theo dõi phiến quân ở Syria vẫn đang ghi chép lại số thời gian mà lực lượng này sử dụng để vào Internet và sử dụng kết quả đó để theo dõi những việc khác trong cuộc xung đột.
Đã có thêm bằng chứng về tác động của truyền hình vệ tinh và các website của chiến binh thánh chiến từ chính câu chuyện của những người bị bắt giữ làm tù binh ở Iraq.
Waleed bin Muhammad al-Hadi al-Masmoudi quê ở Tunisia- quốc gia đứng thế ba trên thế giới về nguồn cung cấp lính đánh thuê nước ngoài cho Syria, đã nói trong một chương trình truyền hình rằng anh ta quyết định đến Iraq chiến đấu vì “đã bị ảnh hưởng quá nặng nề từ kênh truyền hình al-Jazeera TV channel.” Cùng với 13 tình nguyện viên khác từ các nước Saudi Arabia, Jordan và Yemen, anh đã không gặp khó khăn gì khi đến được Fallujah.
Trong một buổi phỏng vấn khác Abdullah Azam Salih al-Qahtani, một cựu nhân viên văn phòng người Saudi Arabia cho biết: “Truyền thống Arab và website của các chiến binh thánh chiến đã thuyết phục tôi đến đây.”
Cũng có nhiều những hình ảnh minh họa cho sự tàn bạo xuất hiện trên máy tính hay màn ảnh truyền hình khắp nơi trên thế giới chỉ trong vài giờ xảy ra là giả mạo. Những thành công của IS ở Iraq đôi khi cũng là sự bịa đặt vì những thước phim minh hoạ để quảng bá đã được quay ở Syria hoặc Libya hoặc thậm chí ở ngoài khu vực Trung Đông.
Một phóng viên ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã đến thăm một trại tị nạn ở Syria thì thấy các em nhỏ 10 tuổi đang xem video clip trên Youtube quay hai người đàn ông bị hành quyết bằng dây xích.
Lời bình luận trong video clip đó là những nạn nhân trong video là người Hồi giáo Sunni ở Syria còn sát thủ là người Hồi giáo Alawite. Thực tế, thước phim trên có nguồn gốc từ Mexico và những vụ giết người trên là do một tay trùm ma túy tiến hành để răn đe kẻ thù của hắn.
Những câu chuyện về sự tàn bạo nhưng giả danh như vậy đã có tác động đến một cuộc chiến. Nhưng phần nhiều, những hình ảnh về giết chóc và tra tấn đều chính xác. Tốc độ truyền tin nhanh cũng lý giải được sự ác liệt của cuộc xung đột ở Syria và cũng cho thấy sự khó khăn của những ai tham gia vào thương lượng cho sự chấm dứt đối với cuộc nội chiến của họ.
Những cuộc nổi dậy trong Mùa Xuân Arab là một sự hỗn tạp lạ lùng của cách mạng, phản cách mạng và can thiệp của nước ngoài. Giới báo chí quốc tế khi đó vẫn thường bối rối không biết gì đang diễn ra. Những cuộc cách mạng vào năm 2011 đã có nhiều sự thất bại tuy nhiên có nhiều cuộc cách mạng vẫn chứng tỏ rất điêu luyện trong việc gây ảnh hưởng và thao túng việc đưa tin của báo chí. Quảng trường Tahrir ở Cairo và sau đó là Maidan ở Kiev đã trở thành những sân khấu mà ở đó một vở kịch mê - lô phơi bày những thế lực tốt chống lại thế lực xấu được phô diễn trước các máy quay truyền hình.
Người phóng viên giỏi vẫn phải chịu nhiều rủi ro lớn và đôi khi phải trả bằng mạng sống, để cố gắng lý giải rằng vẫn còn có nhiều điều khác đằng sau những gì đang diễn ra chứ không chỉ là một bức ảnh quá đơn giản như thế.
Một phóng viên đã nhận xét châm biếm rằng việc cố gắng mô tả những sự kiện diễn ra sau năm 2011 ở Syria từ Beirut trong khi phụ thuộc vào các nguồn tin của quân nổi dậy cũng “giống như là đưa tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây từ Canada trong khi phải phụ thuộc vào các thành viên trong nhóm Tea Party thuộc Đảng Cộng hòa để lấy tin.”
Có thể tiên lượng được rằng những tin tức như vậy quá thiên vị và không tin cậy đến mức mà xu hướng thực tế của các sự kiện lại trở thành những diễn biến khó lường và những điều bất ngờ đến khó chịu. Điều này rồi cũng sẽ tiếp diễn./.