Tờ nhật báo Đức SZ cho biết có tới 12 đương kim và cựu nguyên thủ quốc gia, 200 chính trị gia khác, và vô số các tổ chức mafia, cộng thêm các ngôi sao bóng đá, 350 ngân hàng lớn và hàng trăm ngàn công dân bình thường nằm trong số các khách hàng của hãng luật Mossack Fonseca (trụ sở ở Panama).

tron_thue_qua_nuoc_ngoai_iksj.jpg
Ảnh minh họa của drealfmgrenada.com.

Tự bản thân việc sở hữu một công ty ở nước ngoài không hề bất hợp pháp nhưng SZ cáo buộc rằng việc che giấu đặc điểm nhận dạng của các chủ nhân thực sự của công ty chính là mục đích chính của hãng luật nói trên.

Mặc dù người ta thường chuyển tiền một cách hợp pháp ra nước ngoài để hưởng các quy định tài chính “dễ thở” hơn, trên thực tế các công ty ở hải ngoại cũng thường bị gắn với tệ trốn thuế cũng như các hoạt động bất hợp pháp như là rửa tiền.

Gerard Ryle, Giám đốc Hội Các Nhà báo Điều tra Quốc tế - người điều phối việc đưa tin về vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, nói với đài CNBC của Mỹ vào hôm 4/4 rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đoàn kết lại để thực thi sự kiểm soát chặt chẽ với các thiên đường thuế ở nước ngoài.

Ông Ryle nói: “Chúng tôi đang nhìn vào một hệ thống khiếm khuyết. Nếu bạn bước vào thế giới hải ngoại, bạn có thể làm những thứ mà mình không thể làm trong nước”.

Một số trung tâm hải ngoại nổi tiếng như vậy bao gồm Thụy Sĩ, Bermuda, đảo Cayman, và Síp. Nhiều chuyên gia ngạc nhiên về việc Panama nổi lên thành một điểm đến hải ngoại “bận rộn”.

Ryle nói: “Chúng ta thấy các tổ chức như OECD và EU đã có nhiều hoạt động trấn áp nhằm vào thế giới hải ngoại này. Nhưng mỗi lần các tổ chức đó đề ra các quy tắc mới, thì thế giới kinh doanh ngầm đó lại tìm ra những cách mới để lách luật.”

Ngoài việc trốn thuế, một mối quan tâm chính là một số nước đang sử dụng các công ty nước ngoài làm bình phong cho các hoạt động bất hợp pháp.

Các chiến lược gia đang rất kỳ vọng Hồ sơ Panama sẽ đem lại những điều chỉnh lớn về quy định liên quan đến tài chính./.