Ngày 3/7, hãng thông tấnYonhapdẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, kế hoạch của Nhật Bản dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên cần phải được thực hiện mà không gây cản trở đến những nỗ lực quốc tế loại bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

abe1_zrbb.jpg 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa tuyên bố dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, một số biện pháp trừng phạt đơn phương sẽ được dỡ bỏ sau khi cuộc đàm phán với Triều Tiên về vấn đề bắt cóc các công dân Nhật Bản thời Chiến tranh Lạnh đạt tiến triển.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Noh Kwang-il trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói: “Chính phủ Hàn Quốc hy vọng về vấn đề bắt cóc các công dân Nhật Bản sẽ được giải quyết sớm vì đó là một vấn đề nhân đạo. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản trong đó có việc nới lỏng lệnh trừng phạt nên được theo đuổi một cách minh bạch”.

Ông Noh Kwang-il nói thêm: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất kỳ biện pháp nào mà Nhật Bản định thực hiện cần phải được đảm bảo thực hiện theo cách không gây cản trở đến nỗ lực chung của quốc tế trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.

Những nỗ lực của quốc tế để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã lâm vào bế tắc kể từ cuối năm 2008 khi Triều Tiên quyết định không tiếp tục tham gia đàm phán 6 bên. Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng cũng liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa – một động thái khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng.

Trong tuyên bố của mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ những tác động có thể xảy ra của việc Nhật Bản nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Tháng 5/2014, Triều Tiên đã nhất trí mở lại cuộc điều tra về số phận của các công dân Nhật bị đặc vụ của nước này bắt cóc trong thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20.

Đổi lại, Nhật Bản hứa sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại, hạn chế lượng tiền có thể được gửi hoặc mang tới Triều Tiên mà không cần thông báo với giới chức Nhật Bản, đồng thời cho phép tàu thuyền Triều Tiên cập cảng nước này vì các mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, những cam kết này sẽ chỉ được thực hiện khi cuộc điều tra được tiến hành./.