Ngày 19/11 tại thành phố La Hay, Hà Lan diễn ra Hội nghị lần thứ 23 Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW). Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi các nước thành viên bỏ phiếu thông qua việc tăng cường quyền hạn của Tổ chức cấm vũ khí hóa học hồi tháng 6 vừa qua, với việc trao cho tổ chức này quyền quy trách nhiệm, chứ không chỉ là giám sát hay xác định các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

opcw_zdes.jpg
Trụ sở của Tổ chức cấm vũ khí hóa học tại La Hay, Hà Lan. Ảnh: AP

Kể từ tháng 6 vừa qua, OPCW đã được trao thêm thẩm quyền để quy trách nhiệm trong các vụ tấn công hóa học nếu nhận được yêu cầu của nước sở tại, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin về các vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học trên thế giới. Được thông qua theo yêu cầu của Anh, quyết định được dự báo sẽ dẫn tới những thay đổi một cách căn bản Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Thay vì là cơ quan giám sát Hiệp ước 1997 về cấm sử dụng độc tố làm vũ khí, là cơ quan sử dụng khoa học kỹ thuật để xác định liệu vũ khí hóa học có được sử dụng hay không, thì với đề xuất của Anh, OPCW lại có thẩm quyền để chỉ ra ai là thủ phạm.

Tuy nhiên, quyết định khi đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Iran, Syria và Nga cho rằng, Tổ chức cấm vũ khí hóa học như “con tàu Titanic đang bị chìm”. Bởi một khi được trao thêm quyền, đây không còn chỉ là một cơ quan can thiệp ở góc độ kỹ thuật mà có khả năng bị chính trị hóa và chịu sự thao túng của một số cường quốc.

Các vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học tái diễn tại Syria kể từ năm 2013 hay vụ cựu điệp viên hai mang người Nga bị ám sát bằng chất độc thần kinh Novitchok hồi tháng 3 vừa qua tại Anh một mặt khiến vai trò của OPCW trong những năm vừa qua gia tăng đáng kể, song mặt khác lại cũng làm gia tăng những hoài nghi đối với sự minh bạch và tính công bằng của tổ chức này. Tháng 4 vừa qua, chính quyền Hà Lan đã  bắt giữ và trục xuất 4 điệp viên người Nga, với cáo buộc âm mưu tấn công mạng nhằm vào trụ sở Tổ chức cấm vũ khí hóa học tại La Hay, không lâu sau vụ ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal, bất chấp việc Nga phủ nhận mọi liên quan.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, Hội nghị lần thứ 23 Tổ chức Cấm vũ khí hóa học này sẽ chứng kiến màn tranh cãi gay gắt giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt giữa Nga, Mỹ, Anh và Pháp về việc thực hiện các quyền hạn mới của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học. Vài ngày trước cuộc họp quan trọng ngày hôm nay, tân Tổng giám đốc OPCW Fernando Arias thừa nhận, Tổ chức này đang trải qua một giai đoạn khó khăn sau một loạt vụ tấn công. Tuy nhiên, lập trường chung của các nước thành viên là OPCW đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Đây cũng là lập trường được Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ: “Chúng tôi đã thể hiện lập trường rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hóa học nào. Song thật đáng tiếc, loại vũ khí này đã được sử dụng, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh tại Syria”.

Được trao giải Nobel Hòa bình năm 2013, OPCW có trách nhiệm giám sát việc thực thi Công ước cấm vũ khí hóa học, cấm việc sử dụng và lưu trữ vũ khí hóa học. Tổ chức cấm vũ khí hóa học khẳng định đã góp phần xóa bỏ 96% các kho vũ khí hóa học trên thế giới kể từ khi có hiệu lực năm 1997. Theo Tổng giám đốc Fernando Arias, mục tiêu chính là củng cố tổ chức và bảo vệ những thành quả đạt được 21 năm qua.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh, nhóm điều tra mới thành lập chịu trách nhiệm xác định thủ phạm các vụ tấn công tại Syria dự kiến sẽ bắt đầu công việc của mình vào đầu năm tới. Gồm 12 thành viên, nhóm này chịu trách nhiệm xác định thủ phạm các vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria kể từ năm 2013. Theo ông Fernando Arias, mục đích mà OPCW hướng tới là triển khai một “phái bộ phản ứng nhanh” trong bất kỳ trường hợp sử dụng vũ khí hóa học nào trên thế giới, trong đó có Syria./.