Giải quyết khủng hoảng di cư hiện là vấn đề cấp bách và đặt ra nhiều thách thức với châu Âu, trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần và hàng nghìn người di cư vẫn đang mắc kẹt tại khu vực biên giới các nước.         

Dòng người di cư đổ tới châu Âu không ngừng tăng lên, sau hành trình nguy hiểm để đến được châu Âu, điều chờ đón họ lúc này không phải là một cuộc sống tốt đẹp hơn mà thay vào đó là một mùa Đông giá lạnh đang tới gần. 

nhap_cu_mkuf_mtfe.jpg
Châu Âu đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng nhập cư. (ảnh: Reuters).

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 5/11 đã đưa ra lời kêu gọi đóng góp mới cho các nguồn quỹ hỗ trợ người di cư và tị nạn đang đổ tới châu Âu.

Người phát ngôn Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn William Spindler nói: “Chúng tôi cần chuẩn bị các nguồn lực khi từ nay đến tháng 2 năm sau sẽ có 5.000 người tiếp tục tới châu Âu mỗi ngày. Chúng tôi cũng chứng kiến những thảm kịch xảy ra với người di cư gia tăng trên vùng biển Aegea trong những tháng gần đây. Nếu chúng ta không hành động ngay sẽ có thêm nhiều người thiệt mạng”.

Cùng ngày 5/11, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã tới thăm đảo Lesbos của Hy Lạp, điểm đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư. Lesbos chỉ nằm cách vùng biển Aegea ở phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ 10km, đã trở thành điểm đến đầu tiên của người di cư trong hành trình tiến sâu vào châu Âu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi giải pháp tái định cư cho người di cư tại Thổ Nhĩ Kỳ trước khi họ rơi vào tay bọn buôn người và dấn thân vào hành trình vượt biển nguy hiểm. Giải quyết khủng hoảng di cư đang là mối quan tâm hàng đầu của giới chức châu Âu, những hệ lụy là căng thẳng giữa các nước đang khiến cuộc khủng hoảng trở nên khó giải quyết hơn.

Trong khi đó, hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt tại khu vực biên giới các nước Balkan không chỉ cần những hỗ trợ nhân đạo cấp thiết, mà còn chuẩn bị đương đầu với mùa Đông khắc nghiệt đang tới gần.

Tại Đức, lãnh đạo liên minh cầm quyền ngày 5/11 đã đạt được sự thống nhất về một kế hoạch chung nhằm đẩy nhanh giải quyết khủng hoảng nhập cư. Điều đáng nói là văn kiện đạt được không có kế hoạch xây dựng các khu vực trung chuyển ở biên giới như ý tưởng ban đầu của liên đảng bảo thủ.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Chúng tôi đã nhất trí một bước đi quan trọng. Chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Và chúng ta sẽ làm việc với tinh thần tích cực, xây dựng những điều kiện hướng tới giải quyết thành công vấn đề này”.

Theo kế hoạch, Đức sẽ xây dựng trên cả nước từ 3 đến 5 “trung tâm tiếp nhận đặc biệt”, dành cho những người di cư đến Đức từ các “quốc gia an toàn”, như các nước Balkan, cũng như những trường hợp người tị nạn bị cấm tái nhập cảnh Đức. Việc hoàn tất hồ sơ tị nạn của những trường hợp này sẽ được gói gọn trong tối đa 3 tuần và họ cũng không được phép rời các trung tâm tiếp nhận đặc biệt này.

Sau cuộc thảo luận giữa lãnh đạo ba đảng, Thủ tướng Merkel tiếp tục chủ trì một hội nghị giải quyết khủng hoảng người di cư với thủ hiến các bang, lãnh đạo Cơ quan Lao động liên bang, Cục Di trú và Người tị nạn cùng Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tài chính liên bang.

Mục đích của hội nghị này là bàn cách đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ xin tị nạn cũng như hồi hương người xin tị nạn bị bác đơn về nước. Chính phủ Đức cũng đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho các bang và chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận người xin tị nạn./.