Rạng sáng nay theo giờ Hà Nội, với 263 phiếu thuận và 171 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật “giải cứu” thị trường tài chính (đã sửa đổi) trị giá 700 tỷ USD.

Dự luật vừa được thông qua đưa ra một gói các khoản miễn thuế 150 tỷ USD cho các doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu Mỹ đồng thời nâng mức trần bảo hiểm liên bang đối với mỗi tài khoản tiền gửi ngân hàng từ 100.000 USD lên 250.000 USD.

Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính này cũng cho phép chính quyền Mỹ chi nhiều tỷ USD để mua lại các chứng khoán liên quan đến hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn cũng như các tài sản mất giá khác thuộc sở hữu của những thể chế tài chính đang lâm vào tình trạng khủng hoảng. Cùng với đó là các khoản nợ xấu liên quan đến cuộc khủng hoảng địa ốc tại nước này.

Dư luận và giới lãnh đạo Mỹ đã có những phản ứng tích cực sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật. Tổng thống Bush đã có bài phát biểu hoan nghênh hành động của Quốc hội nước này trong nỗ lực giải cứu tài chính. Phát biểu trước báo chí, Tổng thống Mỹ Bush cho rằng dự luật này có ý nghĩa quan trọng vì nó sẽ “giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua cơn bão tài chính” và ông Bush cũng đã ký phê chuẩn dự luật vừa nêu.

Giới phân tích cho rằng có nhiều lý do để dẫn tới quyết định “bỏ phiếu thuận” nhanh chóng như vậy. Thứ nhất là phản ứng quá tiêu cực của thị trường tài chính sau khi Hạ viện Mỹ bác bỏ dự luật này  hôm 29/9. Các chỉ số chứng khoán đã đồng loạt lập kỷ lục về sụt giảm trong một ngày được mô tả là “ác mộng”. Chỉ trong một ngày, sự sụt giá đã làm thị trường chứng khoán Mỹ đã mất 1,2 ngàn tỷ USD, hơn gấp rưỡi số tiền dự chi cho kế hoạch giải cứu. Hơn nữa, trong tuần qua xuất hiện thêm nhiều tín hiệu xấu cho nền kinh tế Mỹ. Đơn đặt hàng cho các nhà máy giảm 4%. Số người đăng ký thất nghiệp cũng tăng lên. Chính vì thế, đối với dư luận, việc bỏ phiếu thuận cho dự luật này không đơn thuận chỉ để cứu hệ thống tài chính mà là cứu cả nền kinh tế Mỹ.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, hành động này có thể cứu nguy cho nền kinh tế Mỹ trong thời điểm trước mắt, song về lâu dài, nó chưa hẳn đã là một biện pháp hữu hiệu để ổn định và phát triển kinh tế nếu chính phủ Mỹ không giải quyết tận “gốc rễ” vấn đề.

Dù được thông qua với tỷ lệ phiếu cao như vậy, song còn nhiều yếu tố thách thức đang chờ đợi nước Mỹ ở phía trước. Bản thân sự thay đổi nhanh chóng về quan điểm của Hạ viện cũng như nỗ lực “vội vã’ sửa đổi các điều khoản trong dư luật này là một ví dụ. Cần nhắc lại rằng chỉ trong 4 ngày, dự luật này đã được “khoác một bộ mặt mới” khi các điều khoản chính được thay đổi chóng vánh để né tránh sức ép của công luận. Vì thế, chưa hẳn các yếu tố trong luật “giải cứu thị trường tài chính Mỹ” đã đảm bảo tính chắc chắn và giải quyết tận gốc rễ các vấn đề còn tồn đọng đe dọa gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ.

Một điểm đáng lưu ý nữa là việc thực hiện luật “giải cứu thị trường tài chính” mới vừa được thông qua thay vì ngay lập tức dành cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson quyền sử dụng tất cả số tiền 700 tỷ USD lại chỉ cấp ngay 250 tỷ USD và quy định rằng việc chi thêm 100 tỷ USD tiếp theo phải cần sự phê chuẩn của Tổng thống George Bush trong khi số 350 tỷ USD còn lại chỉ có thể được giải ngân với sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Theo giới phân tích, nền kinh tế Mỹ cần phải có một kho vốn dự trữ khổng lồ để có thể tiến hành những cải cách về chính sách thuế, năng lượng, y tế, gây dựng lại cơ sở hạ tầng, điều chỉnh các quy định tài khóa trên diện rộng, và thay đổi các động cơ của việc tiết kiệm.

Về dài hạn, những bước đi vừa nêu sẽ là cực kỳ cần thiết để các biện pháp cứu chữa thị trường trong thời điểm hiện nay phát huy tác dụng tối đa. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng gốc rễ của vấn đề để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự, là tiếp tục tiến hành các cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực đề cập ở trên cũng như giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu. Cùng với đó là vượt qua cuộc khủng hoảng lòng tin hiện tại. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ 28% người Mỹ ủng hộ Thống Bush và chỉ 18% ủng hộ Quốc hội. Và cơn bão tài chính ở nước Mỹ tuần qua đã bộc lộ rõ nét nhất cuộc khủng hoảng tồi tệ ấy./.