Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực miền Đông, nơi trong nhiều tháng qua diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Chính phủ và lực lượng đối lập khiến hàng nghìn người thương vong, Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga ngày hôm nay (26/8) sẽ có cuộc gặp tại Belarus. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko sẽ tham dự các cuộc thảo luận trong ngày cùng với các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Minsk của Belarus. 

porosh_zthq.jpgTổng thống Ukraine Poroshenko (trái) và người đồng cấp Nga Putin trong lần gặp mặt đầu tiên tại lễ kỷ niệm ngày D-Day tháng 6 vừa qua (Ảnh AFP)

Đây là cuộc họp tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Hải quan do Nga đứng đầu. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt, trong khi căng thẳng giữa Ukraine, phương Tây và Nga càng gia tăng kể từ sau khi Nga quyết định cho đoàn xe cứu trợ nhân đạo đi vào miền Đông Ukraine mà chưa hoàn tất thủ tục thông quan. 

Phát biểu trước thềm cuộc gặp ở Minsk, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga hy vọng cuộc gặp này sẽ thảo luận về tình hình nhân đạo ở miền Đông Ukraine và các bên xung đột ở Ukraine sẽ nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường viện trợ cho người dân vùng chiến sự.   

“Chúng tôi sẵn sàng giúp người Ukraine tìm kiếm các thỏa thuận giữa họ, giúp người dân Ukraine được sống trong một nhà nước, tôn trọng mọi cộng đồng thiểu số, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và đặc trưng của mọi vùng”, ông Lavrov tuyên bố. 

Ngoại trưởng Nga cho biết, Nga đã thông báo cho Bộ ngoại giao Ukraine về kế hoạch gửi đoàn xe cứu trợ thứ hai đến miền Đông Ukraine cùng danh sách các mặt hàng cứu trợ. Đoàn xe này sẽ đi theo lộ trình như đoàn xe cứu trợ vào miền Đông Ukraine ngày 22/8. 

Ngoại trưởng Nga cũng đã kêu gọi Ủy ban chữ thập Quốc tế và Ukraine hỗ trợ việc phân phát hàng nhân đạo của Nga ở miền Đông Ukraine. 

Cho đến nay, cả Ukraine và các đồng minh phương Tây đều duy trì quan điểm cho rằng Nga lợi dụng sứ mệnh nhân đạo để cung cấp vũ khí, trang bị và cả lực lượng cho lực lượng đối lập ở miền Đông nước láng giềng, điều mà Nga liên tục phủ nhận. 

Việc Nga thông báo tiếp tục gửi đoàn xe cứu trợ thứ hai đến miền Đông Ukraine dường như càng làm gia tăng mối nghi ngờ trên của cả Ukraine và phương Tây. 

Chính vì vậy, cuộc gặp hôm nay ở Minsk được cho là sẽ khó có đột phá, như thừa nhận của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà có chuyến thăm “chớp nhoáng” tới Ukraine cách đây hai ngày. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua một giải pháp chính trị và Liên minh châu Âu (EU) cũng như Đức đều muốn tham gia vào tiến trình để đạt được một giải pháp. 

Về phía EU, quan chức cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton cũng đánh giá cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko là một cơ hội tốt để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Bà cũng cho rằng Ukraine cần phải xây dựng quan hệ tốt với các nước EU cũng như với Nga. Trong khi đó, một lãnh đạo châu Âu khác, như Tổng thống Áo Hainz Fischer cho rằng quan hệ giữa Nga, EU và Ukraine cần phải bình thường hóa nếu muốn hòa bình và ổn định lâu dài tại châu Âu. 

Trái với lập trường "mềm mỏng" của các nhà lãnh đạo châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố Mỹ sẽ gây thêm áp lực đối với Nga sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tố cáo về sự can dự của binh sỹ và vũ khí Nga trong các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc của NATO./.