Ngày hôm qua (22/1), tại Montreux (Thụy Sỹ), các đại diện chính phủ Syria và phe đối lập lần đầu tiên cùng ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài suốt 3 năm qua tại nước này. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên, các bên liên quan đã thể hiện sự bất đồng sâu sắc, đặc biệt liên quan tới vai trò của Tổng thống Syria - Bachar al-Assad.

Sau những giờ phút mang tính nghi thức đầu tiên, các bên tham gia hội nghị Geneva 2 đã thể hiện sự bất đồng sâu sắc, làm lu mờ những hi vọng trước đó khi thuyết phục được các phe phái đối địch tại Syria cùng ngồi vào bàn đàm phán. Không chỉ là bất đồng giữa chính phủ Syria và phe đối lập, mà còn giữa Nga và Mỹ, 2 nước có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đàm phán giữa các phe phái tại Syria.

Không hề thể hiện thái độ lảng tránh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ngay lập tức phủ nhận vai trò của Tổng thống Syria Bachar al-Assad trong tiến trình chuyến tiếp tại nước này, vấn đề vốn được xem là nguyên nhân bất đồng chính giữa các bên.

Theo ông Kerry, Tổng thống Assad đã không còn tính hợp pháp khi khiến máu của nhân dân mình phải đổ. Phe đối lập tại Syria cũng thể hiện sự cứng rắn khi tuyên bố sẽ không đàm phán về việc Tổng thống Assad tiếp tục tại vị vì mục đích của hội nghị này là để thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Tuy nhiên, phái đoàn chính phủ Syria lập tức bác bỏ điều này và dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để chỉ trích thái độ của lực lượng đối  lập. Ngoại trưởng Syria - Walid Moualem đã gọi phe đối lập là "những kẻ phản bội", đồng thời khẳng định chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định số phận và tương lai của Tổng thống.

“Chúng tôi đến đây với tư cách đại diện của người dân cũng như đất nước Syria. Mọi người nên biết rằng, không ai trên thế giới này có quyền thu hồi tính hợp pháp của tổng thống hoặc chính phủ ngoại trừ chính bản thân những người dân nước này. Đây là quyền lợi chính đáng của người dân Syria và đã được nêu trong Hiến pháp. Mọi quyết định cần phải đưa ra trưng cầu ý dân. Chúng tôi có mặt ở dây là để thể hiện mong muốn của họ chứ không phải là để quyết định thay họ”, Ngoại trưởng Walid Moualem nói.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận, các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng và nhanh chóng song nhấn mạnh đây là một sứ mệnh lịch sử đặt lên vai tất cả các bên tham gia. Theo ông, Hội nghị Geneva 2  được tổ chức “nhằm chấm dứt cuộc xung đột đầy bị kịch ở Syria”, đồng thời kêu gọi “các thế lực bên ngoài” không can dự vào vấn đề nội bộ của nước này.

Những căng thẳng xuất hiện ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị không hề gây bất ngờ, bởi đây đều là những bất đồng muôn thuở. Phe đối lập tại Syria cũng từng coi vấn đề vai trò của Tổng thống al-Assad là điều kiện tiên quyết để tham dự hội nghị.

Dẫu vậy, các nhà phân tích vẫn cho rằng hội nghị sẽ đạt kết quả. Bởi điều quan trọng nhất vẫn là sự có mặt của tất cả các phe phái đối địch của Syria tại bàn đàm phán và họ đều ý thức được những nỗi đau mà nhân dân Syria đang phải hứng chịu.

Vì thế, ít nhất hội nghị cũng sẽ đạt được sự nhất trí về vấn đề thiết lập các hành lang nhân đạo hoặc các hỗ trợ nhân đạo. Đây cũng là nền tảng duy nhất để người dân Syria có thể tin vào kết quả hội nghị, bởi họ đã phải hứng chịu quá nhiều nỗi đau trong suốt 3 năm khủng hoảng vừa qua.

Một số người dân Syria cho rằng, họ muốn một nền hòa bình thực sự, một sự công bằng và cam kết thực sự sau hội nghị Geneva 2 này.

“Là một người dân Syria, tôi cho rằng tất cả nhân dân Syria đều muốn Geneva 2 sẽ giúp đạt được một lền ngừng ngừng bắn và tất cả các nhóm vũ trang sẽ rút khỏi cá thành phố và chấm dứt mọi hành vi bạo lực”, một người dân Syria cho biết.

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng cho rằng, hi vọng là cơ hội đối với người dân Syria. Theo ông, tất cả người dân Syria đều đang hướng về hội nghị Geneva 2 này. Vì thế, cả chính  phủ Syria và phe đối lập đều đang đứng trước cả cơ hội lẫn trách nhiệm đối với nhân dân Syria.

Hội nghị sẽ tiếp tục vào ngày mai (24/1), giữa 2 phái đoàn Syria và đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab - Lakhdar Brahimi. Theo Bộ Ngoai giao Nga, đây sẽ là sự khởi đầu của một tiến trình dài hơi và giai đoạn đầu có thể kéo dài từ 7-10 ngày./.