Trong bối cảnh, những nước thành viên được xem là “con nợ của châu Âu” đã lần lượt tuyên bố thoát khủng hoảng và không cần cứu trợ quốc tế, thì sự kiện này sẽ giải đáp câu hỏi liệu nỗi lo nợ công tại châu Âu đã thực sự được đẩy lùi?

Sau nhiều nỗ lực, EU đã đẩy lùi được những dự báo về một sự tan rã của khu vực đồng tiền chung châu Âu do khủng hoảng nợ sâu sắc. Năm nay được dự báo là một năm “yên ổn” với châu Âu nhờ tình hình tài chính công của các nước thành viên cải thiện, trong khi những nguy cơ nảy sinh từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone ngày một giảm.

eu_copy.jpg
Nền kinh tế châu Âu đang có những dấu hiệu tích cực (Ảnh AP)

Những con nợ của châu Âu như Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều đã thoát khỏi suy thoái và Hy Lạp năm nay cũng đã bắt đầu quay lại thị trường.

Tuy nhiên, những kết quả này có thực sự đồng nghĩa với việc EU đã thoát khỏi khủng hoảng hay chưa thì vẫn còn là một câu hỏi. Bởi EU vẫn phải đối mặt với những mối nguy cơ, đặc biệt trong đó là thất nghiệp, lạm phát và các vấn đề xã hội nảy sinh.

Vì thế, trong bối cảnh các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu đang tới gần, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải cân nhắc rất kỹ giữa thắt lưng buộc bụng và kích thích tăng trưởng. Bởi “thắt lưng buộc bụng”, đã có lúc được coi là liều thuốc chữa bách bệnh cho nền kinh tế bị khủng hoảng của EU, thì giờ đây hình như nó lại trở thành lực cản của quá trình tăng trưởng của châu lục.

Đây cũng là nguyên nhân gây chia rẽ trong EU thời gian gần đây: một số nước mà đứng đầu là Đức ủng hộ cắt giảm ngân sách, trong khi những nước khác do Pháp dẫn đầu lại ủng hộ kích thích tăng trưởng.

Vì thế, sự kiện công bố kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công của các nước thành viên sẽ cho thấy hướng đi của các nước châu Âu trong tương lai cũng như là đáp án cho những nghi ngờ của các thị trường về thực trạng kinh tế khu vực. 
        
Một sự cân bằng giữa cắt giảm thâm hụt ngân sách và kích thích tăng trưởng tại khu vực đồng Euro có lẽ là điều cần nhất lúc này. Bởi việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng trong một thời gian dài đã khiến khu vực này phải đối mặt với nguy cơ giảm pháp, với mức lạm phát hàng năm hiện đang quá thấp, chỉ ở 0,5% so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là khoảng 2%.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại, Khu vực đồng Euro có thể sẽ giống như Nhật Bản trước đây, với cả chục năm chìm sâu trong giảm phát và khiến nợ quốc gia khó trả. Quỹ tiền tệ quốc đã kêu gọi khu vực đồng Euro hành động đối phó với mối nguy cơ này.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, đà tăng trì trệ của giá cả sẽ ảnh hưởng xấu tới phục hồi của kinh tế thế giới đang tiến đến năm thứ 5 sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Kinh tế trưởng Quỹ tiền tệ quốc tế Oliver Blanchard nói: “Một lý do nữa phải lo ngại về Khu vực đồng Euro đó là tình trạng giảm pháp hay còn gọi là lạm pháp thấp. Như các bạn đã biết, những kết quả đạt được thời gian qua là tích cực, song lạm pháp thấp dưới 2% lại là một mối nguy cơ. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể kiềm chế nhu cầu và sản lượng, kiềm chế tăng trưởng và việc làm, gây ảnh hưởng xấu tới sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Vì thế, EU cần phải có những điều chỉnh cần thiết nhằm tránh nguy cơ này”.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng Euro đã sang năm thứ 6, là cuộc khủng hoảng kéo dài nhất trong lịch sử kinh tế thế giới và vẫn chưa chấm dứt. Vì thế, điều  mà châu Âu cần nhất lúc này để củng cố những kết quả đạt được thời gian qua là một sự cân bằng, hài hòa giữa các chính sách củng cố ngân sách và kích thích tăng trưởng.

Điều này có thể sẽ được thể hiện rõ trong sự kiện công bố kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công trước Ủy ban châu Âu của các nước thành viên vào ngày mai./.