Động thái này nhằm đáp trả hành động khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài khơi Cộng hòa Síp – một thành viên của EU. Các lệnh trừng phạt được thông qua tại cuộc họp của Ngoại trưởng các nước EU tại Brussels, Bỉ.

tnk_hgvk.jpg
Tàu khoan thăm dò YAVUZ của Thổ Nhĩ Kỳ được tàu chiến nước này hộ tống trên Địa Trung Hải. Ảnh: AFP.

Theo gói trừng phạt này, EU sẽ đình chỉ các cuộc gặp tiếp xúc cấp cao giữa Khối liên minh này với phía Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời đình chỉ số tiền 164 triệu USD viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và tạm hoãn các cuộc đàm phán về một hiệp định hàng không. EU cũng đã yêu cầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu xem xét lại các điều kiện đặt ra để cung cấp các khoản vay cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Với các lệnh trừng phạt mới của EU, con đường gia nhập Khối Liên minh này của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên “xa vời” hơn. Nó cũng khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thêm phần khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang suy thoái.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trước đó một ngày (14/7) còn tuyên bố, nước này sẽ vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò khí đốt ngoài khơi đảo Síp, cho tới khi nào Chính phủ Cộng hòa Síp của người gốc Hy Lạp chấp nhận kế hoạch hợp tác do cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc hòn đảo này đưa ra.

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, đề xuất của lãnh đạo cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ về việc hai miền đảo Síp hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt có thể góp phần vào hòa bình và sự ổn định tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Hiện thế giới đang rất quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 2 tàu thăm dò dầu khí ở ngoài khơi vùng biển tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Síp.

Đảo Síp bị chia cắt từ năm 1974, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Síp sau cuộc đảo chính của cộng đồng người gốc Hy Lạp. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Síp của người gốc Hy Lạp, trong khi “Cộng hòa miền Bắc đảo Síp” của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ không được quốc tế công nhận. Cộng hòa Síp cho rằng các hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng vấn đề khai thác khí đốt là thuộc chủ quyền của nước này./.