Hiện tại, Litva và Latvia đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực biên giới với Belarus.
Theo báo cáo của cơ quan biên phòng Litva, cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 4.100 người xin tị nạn, phần lớn đến từ Iraq đã vượt biên trái phép từ Belarus vào quốc gia này. Đây là con số cao gấp 50 lần so với cả năm 2020.
Trong cuộc họp trực tuyến của đại diện các quốc gia thành viên EU trong ngày 18/8, Slovenia, quốc gia giữ vị trí chủ tịch luân phiên của khối cho rằng đây là hành vi gây hấn không thể chấp nhận được và có thể coi là một cuộc tấn công trực tiếp nhằm tạo ra bất ổn và áp lực cho Liên minh châu Âu. Nước này cho biết các quốc gia thành viên EU sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng phản ứng của mình để ngăn chặn kịp thời các hành vi hỗ trợ người di cư vượt biên trái phép vào EU.
Thay mặt cho các quốc gia thành viên, Slovenia tuyên bố các quốc gia EU sẽ quyết tâm thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tất cả các biên giới bên ngoài EU. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần tăng cường lực lượng giám sát khu vực biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu để ngăn chặn những vụ vượt biên trái phép trong thời gian tới.
Trước đó, trong ngày 17/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã cáo buộc ông Lukashenko phát động "cuộc tấn công" nhằm vào EU bằng cách đưa người di cư đến Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan để trả đũa các lệnh trừng phạt của khối này.
Ba Lan ngày 18/8 đã điều hơn 900 binh lính tới biên giới với Belarus để ngăn chặn làn sóng di cư mới chủ yếu từ Iraq đang cố gắng vượt biên vào nước này.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik cho biết, ngày càng có nhiều người cố gắng nhập cư bất hợp pháp vào Ba Lan, đặc biệt sau khi làn sóng di cư tại Afghanistan bùng phát trong những ngày vừa qua đang biến di cư trở thành một vấn đề chính trị đối với Ba Lan.
Trong những năm gần đây, Ba Lan đã cấp số lượng lớn nhất giấy phép lao động cho người nước ngoài đến từ các quốc gia EU và Nam Á. Điều này đã khiến Ba Lan đã trở thành điểm đến mới nhất của EU cho những người xin tị nạn đến từ Iraq, Syria và Afghanistan. Theo dữ liệu chính thức của Ba Lan công bố ngày 18/8, trong tháng 8/2021, đã có 2.100 người tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp vào Ba Lan. Trong số này có 1.340 người bị lực lượng biên phòng Ba Lan chặn lại tại biên giới và 760 người được đưa vào các trại tị nạn./.