Bản dự thảo kế hoạch dày 28 trang về năng lực triển khai nhanh của EU được tiết lộ trên báo chí cho thấy, các nước Liên minh châu Âu dự tính xây dựng một lực lượng quân đội liên hợp 5 ngàn quân vào năm 2025 bao gồm đầy đủ các thành phần hải-lục-không quân để có thể sẵn sàng được triển khai bất cứ lúc nào khi xảy ra các cuộc khủng hoảng bên trong và bên ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu.

Lực lượng phản ứng nhanh này sẽ là tập hợp binh sĩ đến từ các quốc gia thành viên EU và sẽ được triển khai theo yêu cầu từ các quan chức lãnh đạo châu Âu, không cần sự phê chuẩn hay trợ giúp từ NATO hay Mỹ. Các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU đã bắt đầu thảo luận về bản kế hoạch này từ đầu tuần này tại Brussels và theo báo chí châu Âu, hai cường quốc châu Âu là Pháp và Italia đã ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch. Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, hiện chưa đưa ra quan điểm do vẫn đang trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới.

Phát biểu trước báo giới chiều ngày 16/11 tại Brussels, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell nhận định, việc châu Âu thành lập lực lượng phản ứng nhanh của riêng mình sẽ là sự bổ trợ năng lực cho NATO, nhưng đồng thời cũng là tham vọng riêng mà EU cần có.

Ông Josep Borrell cho rằng: “Bổ trợ cho NATO có nghĩa rằng Liên minh châu Âu không chỉ có các quốc gia thành viên cũng đồng thời là thành viên của NATO mà EU còn có tham vọng xây dựng một chính sách quốc phòng và an ninh chung để có thể sử dụng năng lực của chính mình, để tự hành động khi cần thiết và phối hợp với NATO khi có thể”.

Theo dự kiến, các cuộc thảo luận sâu hơn về lực lượng phản ứng nhanh của châu Âu sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới và quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong tháng 03/2022, nhiều khả năng là tại “Thượng đỉnh về Liên minh Quốc phòng” do EU và Pháp tổ chức tại Paris, trong thời điểm nước Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU.

Nếu kế hoạch được thông qua, EU sẽ lần đầu tiên trong lịch sử có một lực lượng quân đội riêng có năng lực hành động thực sự. Trong quá khứ, EU từng có kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội chung từ 50 ngàn đến 60 ngàn quân nhưng thất bại. Trên lý thuyết, từ năm 2007 EU cũng đang duy trì một lực lượng thường trực 1500 quân nhưng lực lượng này chưa từng được triển khai trong bất cứ chiến dịch thực địa nào.

Trong bản kế hoạch mới, châu Âu không yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên tham gia vào lực lượng phản ứng nhanh nhưng việc phê chuẩn thành lập lực lượng này cần sự đồng ý của tất cả 27 nước thành viên. Đây từng là một trở ngại lớn trong quá khứ do nhiều nước EU, vốn cũng là thành viên NATO, luôn phản đối kế hoạch này vì lo ngại sẽ làm giảm vai trò của NATO cũng như khiến Mỹ tức giận.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, sau sự kiện Aukus, nhằm xoa dịu Pháp, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã chấp nhận ủng hộ châu Âu tự chủ chiến lược, trong đó có việc xây dựng lực lượng phản ứng nhanh của riêng châu Âu, và việc Mỹ bật đèn xanh có thể sẽ khiến các nước châu Âu đang lưỡng lực chấp nhận kế hoạch này./.