Các nhà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm nay (23/4)  tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh bất thường để bàn về vấn đề nhập cư đang gây bức xúc trên Địa Trung Hải.

di_cu_bat_hop_phap_sang_chau_au_jexz.jpgNgười nhập cư trái phép sang châu Âu (ảnh: Telegraph)
Cuộc họp Thượng đỉnh bất thường khai mạc hôm nay 23/4 ở Brussel, diễn ra 5 ngày sau bi kịch chìm tàu khiến gần 900 người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi thiệt mạng trên Địa Trung Hải cuối tuần qua. Thảm kịch này khiến EU bị chỉ trích mạnh mẽ và buộc nhóm 28 nước phải tiến hành những thay đổi lớn trong chính sách kiểm soát nhập cư và cấp quy chế tị nạn.

Xem xét lại chương trình Triton

Nội dung quan trọng nhất trong cuộc họp Thượng đỉnh bất thường này sẽ là việc xem xét lại chương trình “Triton” về kiểm soát biên giới ngoại vi của EU. Từ cuối năm 2014, khi  được đưa vào hoạt động để thay cho chương trình “Mare Nostrum” của Italy,  “Triton” đã bị chỉ trích rất nhiều về sự kém hiệu quả do trang bị nghèo nàn và kinh phí hoạt động ít ỏi.

So với “Mare Nostrum”, ngân sách hoạt động của Triton chỉ bằng 1/3, là 3 triệu euro/tháng so với 9 triệu euro của “Mare Nostrum”. Về nhân sự, “Triton” cũng chỉ bằng 1/10 “Mare Nostrum” và quan trọng nhất là về mục đích hoạt động, “Triton” chỉ đề cao việc giám sát vùng biển Địa Trung Hải chứ không chú trọng vào hoạt động cứu hộ.

Chính vì những lí do đó, “Triton” bị chỉ trích gay gắt và bị xem như là bằng chứng cho thấy các nước EU coi trọng việc tiết kiệm tiền bạc hơn là mạng sống con người.

Trước thảm kịch vừa cướp đi sinh mạng của gần 900 người, dự kiến các lãnh đạo EU sẽ phải thay đổi căn bản chương trình “Triton” theo hướng tăng thêm ngân sách, nhân sự cũng như năng lực cứu hộ của chương trình này.

Chương trình hành động mới

Một chương trình hành động 10 điểm cũng sẽ được bàn thảo, trong đó bao gồm:

+ Phá hủy các địa điểm, bến tàu mà các nhóm buôn người sử dụng để đưa người nhập cư trái phép sang châu Âu

+ Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng hải quan, bảo vệ bờ biển, cảnh sát châu Âu, tình báo… để trao đổi thông tin về các cách thức đưa người nhập cư trái phép vào châu Âu.

+ Triển khai các Văn phòng di cư của châu Âu tại các nước như Italy và Hy Lạp để giúp quản lý việc xin tị nạn

+ Thiết lập hệ thống quản lý nhân dạng điện tử với tất cả những người nhập cư vào châu Âu

+ Phân bổ người xin tị nạn về các nước thành viên với tỷ lệ thích hợp hơn

+ Lên chương trình trục xuất nhanh chóng những người nhập cư không đủ điều kiện xin tị nạn về nước xuất phát.

+ Phối hợp với những nước Bắc Phi như Libya để phong tỏa các đường dây đưa người nhập cư trái phép sang châu Âu./.