Ủy ban châu Âu hôm qua cảnh báo không nên chôn vùi thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) với khối Thị trường chung Nam Mỹ Mercosur sau khi Thủ tướng Ireland Leo Varadkar tuyên bố, nước này sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận thương mại này trừ phi Brasil có hành động bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar. (Nguồn: independent.ie) |
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Natasha Bertaud cho rằng, các thành viên EU có thể sử dụng thỏa thuận giữa các nước này với Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay để thúc đẩy Brazil tuân thủ việc chống biến đổi khí hậu. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh rằng, thỏa thuận giữa EU- Mercosur bao gồm các cơ chế trừng phạt trong trường hợp các bên không tuân thủ.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu khẳng định, các công cụ tốt nhất mà chúng ta có đó là thỏa thuận EU-Mercosur lần đầu tiên đưa Brasil vào hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris vào năm 2016. Đây thực sự là thỏa thuận thương mại đầu tiên có các cam kết ràng buộc nhằm thực thi hiệu quả thỏa thuận Paris cũng như các thỏa thuận về môi trường khác: "Đó là cách hợp tác với Brazil và các bên khác để thúc đẩy và khuyến khích nhau thực hiện các cam kết chúng ta đã thực hiện trong thỏa thuận Paris và cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường khác".
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã bày tỏ quan ngại về mức độ tàn phá kỷ lục của rừng nhiệt đới. Ông Leo Varadkar ca nêu rõ, Ireland sẽ không bỏ phiếu cho thỏa thuận trên nếu Brazil không tôn trọng các cam kết về môi trường. Ireland sẽ cần sự ủng hộ của các nước thành viên khác trong EU nếu muốn chặn thỏa thuận giữa EU và Mercosur.
Ngày 28/6 vừa qua, EU và Mercosur đã ký kết thỏa thuận tự do thương mại, qua đó kết thúc tiến trình đàm phán bế tắc trong 2 thập kỷ qua. Thỏa thuận này sẽ giúp cho hàng hóa của hai bên hội nhập vào một thị trường lớn với 800 triệu dân, chiếm 1 phần tư Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới.
Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế quan ngại các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động thực vật tại khu vực được gọi là “lá phổi xanh của hành tinh”. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Brazil, gần 73.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu nay, con số cao nhất kể từ năm 2013, và hầu hết xảy ra ở rừng Amazon. So với cùng kỳ năm ngoái, cháy rừng Amazon từ đầu năm đến nay tăng 83%. Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố São Paulo và một số thành phố khác của Brazil./.Quan hệ Nga - EU liệu có trở nên nồng ấm?
Thủ tướng Anh thăm Đức và Pháp: Sứ mệnh thuyết phục EU liệu có thành?
Thủ tướng Anh thăm Pháp và Đức:Sứ mệnh thuyết phục EU thỏa hiệp Brexit