Phát biểu trong buổi họp báo chiều tối 31/5 theo giờ địa phương tại Brussels khi đang tham dự cuộc họp Thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Đức sẽ chuyển giao các xe chiến đấu bộ binh của Đức cho Hy Lạp và sau đó Hy Lạp sẽ chuyển các loại vũ khí từ thời Xô Viết trong kho vũ khí của nước này cho quân đội Ukraine.

“Tôi đã đồng ý với Thủ tướng Hy Lạp về vấn đề này bởi Hy Lạp có các loại vũ khí tương thích với quân đội Ukraine. Vì thế, Đức sẽ sẵn sàng chuyển giao các xe chiến đấu bộ binh cho Hy Lạp. Chi tiết về việc này sẽ được Bộ Quốc phòng hai nước thảo luận để có thể nhanh chóng thực thi”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

Tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz là một động thái đáng chú ý bởi trong số các nước phương Tây, chính phủ Đức thời gian qua bị phía Ukraine cũng như nhiều đồng minh trong NATO chỉ trích là đã quá chậm chạp trong việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho quân đội Ukraine nhằm giúp nước này tự vệ trong xung đột với Nga. Tháng trước, Đức mới cam kết đồng ý chuyển giao một số lượng nhỏ là 7 pháo tự hành Howitzer cũng như một số ít pháo phòng không Gepard cho Ukraine. Tuy nhiên, các thông tin trên báo chí Đức gần đây cho thấy số vũ khí này vẫn chưa được chuyển giao toàn bộ cho Ukraine và việc huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng các loại vũ khí này cũng phải kéo dài ít nhất đến giữa mùa Hè năm nay. 

Đối với số vũ khí mới mà Đức cam kết hỗ trợ cho Ukraine, tuy Thủ tướng Đức Olaf Scholz không nêu chi tiết nhưng giới quan sát nhận định, Đức có thể chuyển giao khoảng 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Hy Lạp và đổi lại, Hy Lạp sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine các xe chiến đấu bộ binh BMP do Liên Xô sản xuất trước đây. 

Trong buổi họp báo tại Brussels, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tái khẳng định cam kết của nước này trong việc chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ của Nga từ nay đến cuối năm 2022. Trước đó, trong sáng sớm ngày 31/05, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu – EU đã đạt được thoả thuận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó trọng tâm là việc cấm vận ngay lập tức 3/4 lượng dầu mỏ nhập từ Nga. Đây là lượng dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển. Trong khi đó, 1/4 còn lại nhập qua đường ống dẫn dầu Druzhba sẽ được miễn trừ, giúp các nước như Hungary, CH Czech, Slovakia, Ba Lan, Đức có thể tiếp tục nhập một phần dầu của Nga. 

Tuy nhiên, chính phủ hai nước Ba Lan và Đức đều đã tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt toàn bộ việc nhập dầu từ Nga nên dự kiến đến cuối năm 2022, EU sẽ cắt bỏ đến 90% lượng dầu mỏ mà khối này mua từ Nga./.