Tuyên bố đưa ra tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong bối cảnh 350.000 binh sỹ và cảnh sát của nước này vừa tiếp quản trách nhiệm đảm bảo an ninh cho phần lớn các vùng lãnh thổ trên đất nước nhưng phải đối mặt với nguy cơ đe dọa ngày càng tăng trở lại từ Taliban.

Mỹ và liên quân NATO dự định giữ lại khoảng 12.000 binh sỹ sau năm nay để huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan chống khủng bố trong khi Thủ tướng Đức Angrla Merkel cho biết, Berlin có thể hỗ trợ Afghanistan lâu dài hơn thế, không chỉ trong công tác huấn luyện mà cả viện trợ phát triển.

angela_spwt.jpg Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters)
Bà Merkel cho biết: “Đức có trách nhiệm cụ thể đối với an ninh của miền Bắc Afghanistan. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có cách tiếp cận để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển hệ thống trường học, cách tiếp cận giáo dục kép và rất nhiều lĩnh vực khác cũng quan trọng như việc huấn luyện lực lượng an ninh, cảnh sát và nền độc lập của Afghanistan”.

Quốc hội Đức trước đó cùng ngày đã bỏ phiếu nhất trí giữ lại 850 binh sỹ ở Afghanistan trong năm sau, biến Đức trở thành nước đóng góp nhân lực lớn thứ hai tại Afghanistan, sau Mỹ. Đức cũng cam kết sẽ hỗ trợ chính phủ đoàn kết dân tộc của Afghanistan khoản viện trợ hàng năm lên đến 430 triệu Euro, nhiều hơn bất cứ nước nào khác.

Về phần mình, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thông báo, Kabul đang đàm phán với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, bất cứ nhiệm vụ nào cũng sẽ “do Afghanistan triển khai, chủ trì và dẫn dắt”. Ông Ashraf cho biết, sáng kiến này còn ở giai đoạn đầu và các bên đang lên kết hoạch chi tiết.

Tháng trước, hãng tin Reuters đăng tải thông tin độc quyền rằng Trung Quốc đã đề xuất thiết lập một diễn đàn để nối lại đàm phán hòa bình bị đình trệ giữa chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban. Trung Quốc đang thúc đẩy một diễn đàn hòa bình và hòa giải mà theo quan chức Afghanistan sẽ bao gồm đại diện của chính phủ, chỉ huy Taliban, Trung Quốc và Pakistan./.