Kết cục tất yếu?
Dù chỉ đang diễn ra từ từ nhưng chắc chắn Sống núi giữa Đại Tây Dương đang khiến mảng Bắc Mỹ và mảng Á - Âu ngày một xa nhau khoảng hơn 2,5 cm mỗi năm. Một điều tương tự dường như cũng đang xảy ra với các "mảng kiến tạo" địa chính trị. Cách đây không lâu, Mỹ là đồng minh phương Tây không thể thiếu của châu Âu. Ngày nay, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, dường như châu Âu giống như "kẻ thù" (theo cách gọi của nhà lãnh đạo Mỹ) hơn là bạn hữu.
Đó là lý do tại sao châu Âu cũng đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Mỹ vào tháng tới. Nếu ông Trump giành chiến thắng, những rạn nứt xuyên Đại Tây Dương sẽ ngày càng hiện rõ. Nếu ông Joe Biden giành chiến thắng, phải chăng âm thanh lớn nhất sẽ là những tiếng mở sâm panh ăn mừng? Tuy nhiên, một thời gian dài trước đó, châu Âu phải thừa nhận rằng, sự xa cách giữa hai bên sẽ tiếp tục cho dù người trở thành ông chủ Nhà Trắng vào tháng 11 tới là ai.
Trên thực tế, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương Mỹ - Châu Âu đã rạn nứt một thời gian dài trước khi ông Trump trở thành Tổng thống. Mối quan hệ này gần như đã đứt gãy dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush mặc dù sau đó Tổng thống Barack Obama đã phần nào khôi phục lại, tuy nhiên, động thái này chủ yếu mang tính biểu tượng.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, nhà lãnh đạo này đã thông báo một kế hoạch mang tính chiến lược, đó là "xoay trục" về châu Á, một sự dịch chuyển quan trọng từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Trước đó, các Tổng thống Mỹ đã phàn nàn một cách kín đáo rằng, các nước châu Âu và nhất là Đức đang dành quá ít ngân sách cho quân đội của họ để trở thành một đồng minh NATO đáng tin, cũng như đã "ăn không" trên hệ thống thương mại toàn cầu gắn liền với Mỹ.
Tổng thống Trump chỉ đơn giản gỡ đi "lớp áo ngoại giao" bóng bẩy và những điều hào nhoáng che đậy những tranh cãi này. Không giống như bất kỳ Tổng thống Mỹ nào kể từ Thế chiến II, ông Trump thể hiện thái độ không bằng lòng với các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Angela Merkel, thậm chí ông còn thể hiện sự thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump không nhìn "phương Tây" như một cộng đồng cùng chia sẻ các giá trị tự do và an ninh tập thể.
Trong các cuộc chiến thương mại, ông Trump biến Liên minh châu Âu thành một đối thủ thứ hai chỉ sau Trung Quốc, đồng thời áp thuế "an ninh quốc gia" lên nhôm và thép của các nước châu Âu. Về quốc phòng, nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí đã đặt câu hỏi về việc Mỹ ở trong NATO. Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Tổng thống có lẽ sẽ rút khỏi liên minh này trong nhiệm kỳ thứ hai. Trước đó, ông Trump đã rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới và các diễn đàn đa phương khác.
Theo cách đó, Tổng thống Trump đã xóa bỏ các vai trò của châu Âu về địa chính trị. Kể từ Thế chiến II, Mỹ là "chiếc ô" an ninh của châu Âu nhằm đối phó với Nga. Tuy nhiên, những mối quan hệ được định hình trong một thời gian này đang bị phá vỡ và không thể hàn gắn lại, một phần vì yếu tố khách quan là sự thay đổi của môi trường địa chính trị quốc tế, một phần là vì sự thay đổi về nhận thức và lập trường của chính những "người trong cuộc".
Cứ 3 nước châu Âu thì có 2 nước có quan điểm tiêu cực về Mỹ trong khi Đức - đầu tàu của EU ngày càng cân bằng hơn trong việc thắt chặt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Kế hoạch B của châu Âu
Như vậy, kế hoạch B của châu Âu sẽ là gì nếu ông Trump chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai?
"Sự phản ứng với Nước Mỹ trên hết là châu Âu đoàn kết", Heiko Maas, Ngoại trưởng Đức khẳng định.
Tổng thống Pháp cũng thích nói về cái gọi là "chủ quyền châu Âu" dù cụm từ này chưa được định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, việc thành lập "quân đội châu Âu" vẫn chỉ là một viễn cảnh trong mơ và hiện thật khó để các ngoại trưởng EU có cùng quan điểm về các lệnh trừng phạt.
Trên thực tế, Ngoại trưởng Đức Maas đã sai khi cho rằng một chiến thắng nữa của Tổng thống Trump sẽ giúp EU đoàn kết bởi thay vào đó, việc này sẽ chỉ càng khiến các quốc gia thành viên thêm chia rẽ. Một số nước thành viên EU, đặc biệt là các nước giáp biên giới với Nga đều vui vẻ tiến hành các thỏa thuận song phương với ông Trump. Đặc biệt, chính phủ Ba Lan còn muốn liên lạc với Nhà Trắng hơn là trao đổi với Brussels, Berlin hay Paris.
Trái lại, ông Biden là một người tuyên bố sẽ ủng hộ các liên minh của Mỹ. Cựu Phó Tổng thống Mỹ tái khẳng định cam kết với NATO, tuyên bố sẽ gia nhập lại Thỏa thuận Paris và WHO. Ứng viên đảng Dân chủ có cũng cũng sẽ hợp tác với E3 (gồm Đức, Pháp và Anh) để tham gia lại Thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Trump từng rút khỏi năm 2018. Các nước châu Âu sẽ lại một lần nữa trở thành đối tác của Mỹ.
Viễn cảnh nghe có vẻ rất tích cực này lại tồn tại một nút thắt khó cởi bỏ. Ông Biden sẽ không rút quân khỏi Đức như ông Trump đang có kế hoạch nhưng ông cũng sẽ không đầu tư vào hệ thống quốc phòng xuyên Đại Tây Dương. Điều đó là bởi mỗi một USD dành cho quân sự đổ vào châu Âu là bằng ấy USD bị rút khỏi châu Á, vốn là trọng tâm trong chiến lược xoay trục của Mỹ.
Trong khi đó, những căng thẳng đang tồn tại sẽ không biến mất. Giống như người tiền nhiệm, ông Biden sẽ cố gắng ngăn cản việc xây dựng đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức. Ứng viên đảng Dân chủ cũng sẽ tiếp tục kêu gọi Đức và các nước khác tăng chi tiêu quân sự. Ông Biden đã khẳng định rằng, các nước châu Âu sẽ phải sử dụng quân đội của họ để thực hiện các nhiệm vụ ở những nơi không có lợi ích của Mỹ, chẳng hạn như đông Địa Trung Hải hoặc có lẽ là châu Phi.
Trên hết, bất kỳ Tổng thống Mỹ nào cũng sẽ mong đợi các đồng minh của mình đứng về phía Washington để chống lại Bắc Kinh. Do đó, EU càng theo đuổi cái gọi là "chủ quyền châu Âu" thì Mỹ càng có ít lợi ích khi tiếp tục mối quan hệ như trước đây. Cách biệt giữa Đông và Tây Âu dường như là vấn đề mà Mỹ nhìn thấy hầu như rất ít lợi ích, trong khi điều đó đe dọa đến cả cái gọi là "chủ quyền" và sự an toàn của châu Âu.
Rõ ràng, mở sâm panh ăn mừng ông Biden chiến thắng không đồng nghĩa với việc mở nút những rối ren hiện nay tại châu Âu./.