Hiệp định này cũng bao gồm thoả hiệp về sự miễn trừ pháp lý đối với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, bản dự thảo hiệp định này có thể vấp phải sự phản đối của các nhà làm luật Mỹ. Mặc dù sự ủng hộ của họ không phải là bắt buộc về mặt pháp lý nhưng được xem là cần thiết đối với sự thành công cuối cùng của bất ký thoả thuận nào.

Các phái đoàn đàm phán Mỹ và Iraq cho rằng họ không thể làm gì hơn và quyết định gửi bản dự thảo này tới cấp cao hơn. Nếu không sớm có được một hiệp định, hai bên sẽ phải bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn tới các giải pháp thay thế, kể cả việc kéo dài thời hạn hiện diện của lực lượng Liên Hợp Quốc sau ngày 31/12 tới.

Một quan chức quân sự cho biết các nhà lãnh đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ không hoàn toàn hài lòng với thoả hiệp miễn trừ pháp lý như đã ghi trong bản dự thảo. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định chính quyền Mỹ "có thể chấp nhận" bản dự thảo này. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và các cố vấn cao cấp của Tổng thống Bush sẽ sớm báo cáo các thành viên chủ chốt của quốc hội về bản dự thảo hiệp định này. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng một số thành viên sẽ phản đối các điều khoản miễn trừ. Nhưng mối quan tâm lớn hơn của các quan chức Mỹ là Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki có thể thuyết phục chính phủ và quốc hội Iraq về bản dự thảo hiệp định này hay không.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/10, tại Baghdad, Thủ tướng al-Maliki đã đệ trình bản dự thảo mang tính thăm dò tới Tổng thống Jalal Talabani, cũng như các Phó Tổng thống của cộng đồng người Sunni và Shiite. Tiếp đó, Thủ tướng Maliki đã trình bày trước Hội đồng An ninh quốc gia về bản dự thảo hiệp định. Hội đồng này bao gồm Tổng thống, các phó Tổng thống, Thủ tướng, lãnh đạo các khối chính trị và chủ tịch quốc hội. Nếu họ đồng ý, ông Maliki sẽ đề trình dự thảo hiệp định với nội các để được thông qua. Bước cuối cùng sẽ là đệ trình quốc hội thông qua.

Trong khi đó, những người ủng hộ giáo sĩ Muqtada al-Sadr của người Hồi giáo dòng Shiite có ảnh hưởng phản đối bất cứ hiệp định nào cho phép quân đội Mỹ có mặt tại Iraq. Iran, nước có ảnh hưởng đáng kể trong một số đảng phái của người Shiite cũng phản đối hiệp định này./.