Sau nhiều tháng trì hoãn, ngày 12/7, Chính phủ Anh chính thức công bố “Sách trắng Brexit”, tài liệu được đánh giá là ý nghĩa nhất về Brexit kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân của Anh năm 2016 về quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu.

Bản kế hoạch, từng khiến 2 Bộ trưởng chủ chốt trong tiến trình Brexit phải từ chức là Bộ trưởng Brexit David Davis và Ngoại trưởng Boris Johnson, từ nhiều ngày nay đã tạo ra cơn sóng ngầm trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Theresa May.

may_sky_bydn.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Sky News

Trong một minh chứng rõ nhất, khi tân Bộ trưởng Brexit phát biểu trước Hạ viện để công bố sách trắng, các nghị sĩ ngồi dưới đã không ngần ngại lên tiếng phản đối, cho rằng họ đã không nhận được tài liệu từ trước, đồng thời yêu cầu Chủ tịch Hạ viện phải tạm ngừng phiên họp trong vài phút.

Trong khi Bộ trưởng Dominic Raab miêu tả bản kế hoạch của chính phủ là mang tính đổi mới, giúp thiết lập một mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh chưa từng có, thì nghị sĩ bảo thủ Jacob Rees-Mogg cho rằng kế hoạch này sẽ làm cho Vương quốc Anh trở thành “chư hầu” của châu Âu và đây không phải là những gì người Anh đã bỏ phiếu.

Còn tại Brussels, phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thủ tướng Anh Theresa May đảm bảo những đề xuất này là câu trả lời tốt nhất cho lá phiếu của người dân Anh, ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6 năm 2016.

Bà May nói: “Chúng tôi đã đạt được nhất trí về những đề xuất sẽ trình lên Liên minh châu Âu, hoàn toàn phù hợp với một tiến trình Brexit mà người dân Anh đã bỏ phiếu. Họ đã bỏ phiếu cho chúng tôi để kiểm soát tài chính, luật pháp và biên giới của đất nước. Chúng tôi sẽ ngừng những khoản đóng góp lớn hàng năm cho Liên minh châu Âu, sẽ đảm bảo rằng Tòa án Công lý châu Âu không còn có thẩm quyền ở Vương quốc Anh nữa và chúng tôi cũng đảm bảo sẽ chấm dứt hoạt động di chuyển tự do, đó là một sự đảm bảo tuyệt đối không thể lay chuyển, sự di chuyển tự do sẽ kết thúc”.

Theo sách trắng, Chính phủ Anh mong muốn triển khai một khu vực tự do thương hàng hóa mới nhằm duy trì một nền thương mại “không có sự va chạm” với 27 nước thành viên còn lại của Liên minh châu Âu (EU). Điều này được kỳ vọng sẽ cho phép tránh một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland thông qua việc thiết lập một cơ chế hải quan được đơn giản hóa. .

Trong một phản ứng đầu tiên, Ngoại trưởng Cộng hòa Ireland Simon Coveney đã bày tỏ hoan nghênh việc chính phủ Anh công bố bản kế hoạch chi tiết về các mối quan hệ mong muốn với Liên minh châu Âu trong tương lai, đồng thời mong muốn tiến trình đàm phán sẽ sớm được khơi thông.

Một nội dung khác được lưu ý trong sách trắng là Chính phủ Anh từ bỏ các kế hoạch duy trì quan hệ gần gũi trong lĩnh vực dịch vụ tài chính với EU, đồng nghĩa với việc Anh sẽ gặp nhiều hạn chế hơn trong việc tiếp cận các thị trường dịch vụ tài chính của châu Âu để đổi lấy sự linh hoạt và tự chủ trong vấn đề này.

Nội dung này đã vấp phải phản ứng khá gay gắt của Trung tâm tài chính London khi cho rằng “đây là một đòn giáng mạnh”. Theo bà Catherine MacGuinness một quan chức thuộc Trung Tâm tài chính London, với mối quan hệ lỏng lẻo hơn với châu Âu, lĩnh vực tài chính sẽ vì thế mà ít có khả năng tạo ra việc làm, tạo ra thuế và hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế hơn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu bước đầu đã có những phản ứng “tích cực” dù vẫn còn dè dặt đối với Sách Trắng Brexit vừa được công bố. Cả EU và Anh đều đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận về Brexit trong tháng 10 năm nay, để đảm bảo đủ thời gian cho các cơ quan lập pháp của EU và Anh thông qua trước thời điểm Anh rời EU vào cuối tháng 3/2019. Việc thất bại trong việc tìm kiếm một thỏa thuận cũng đồng nghĩa với những biến động lớn về kinh tế giữa hai bên./.