Theo thống kê mới nhất, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép động đất và sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia hôm 28/9, đã lên tới 832 người. Hiện công tác cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều nơi bị ảnh hưởng vẫn bị cô lập, chưa thể tiếp cận được do hệ thống giao thông bị hư hại nặng nề. Thảm kịch thiên tai lần này dự báo sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Vào lúc 12h trưa 30/9 (theo giờ Việt Nam), người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho thông báo: “Tính đến 13h chiều 30/9, tổng cộng 832 người đã được xác nhận là thiệt mạng. Dù không mong muốn, song chúng tôi thừa nhận con số này sẽ tiếp tục tăng. Nhìn vào thực tế tình hình, vẫn còn nhiều thi thể nạn nhân chưa được xác định hoặc bị chôn vùi dưới các đống đổ nát. Một số khu vực vùng sâu vùng xa vẫn chưa được các nhóm cứu hộ tiếp cận”.
Hầu hết các nạn nhân được xác định thiệt mạng được tìm thấy tại thành phố Palu. Nhiều khu vực xa xôi như Donggala, gần tâm chấn của trận động đất, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận được. Theo một số hãng tin địa phương, nhiều ngôi nhà ở Donggala đã bị cuốn trôi hoàn toàn ra biển. Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla lo ngại, số nạn nhân trong thảm họa thiên tai lần này có thể còn lên tới hàng nghìn người khi khu vực Donggala có tới khoảng 300.000 người dân sinh sống.
Các công tác cứu hộ vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều nhóm cứu trợ được huy động vẫn không thể tiếp cận hiện trường. Cho đến sáng 30/9, mới chỉ có một chiếc máy bay chở hàng quân sự đã được điều đến thành phố Palu để chở khoảng 200 người bị thương nặng đến thành phố Makassar của tỉnh Nam Sulawesi, để chữa trị y tế khẩn cấp. Việc đưa nạn nhân ra khỏi “đống đổ nát khổng lồ Sulawesi” vẫn đang diễn ra chậm chạp do các máy móc hạng nặng không thể tới được hiện trường. Đến nay, Cơ quan quốc gia giảm nhẹ thiên tai (BNPB) và Viện Quốc gia Hàng không và Vũ trụ Indonesia (Lapan) mới chỉ sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để nghiên cứu, xác định những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trưa 30/9 cũng đã có chuyến thị sát tới thành phố Palu. Phát biểu trước các binh sĩ được triển khai tới đảo Sulawesi, Tổng thống Widodo đã kêu gọi các lực lượng cứu trợ sẵn sàng làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ, nhằm nhanh chóng hoàn tất công tác sơ tán người dân và khắc phục thảm họa.
Theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia, thiệt hại của thảm họa thiên tai lần này là vô cùng lớn, hàng nghìn ngôi nhà, bệnh viện, trung tâm mua sắm và khách sạn đã sụp đổ. Những tuyến đường dẫn tới thành phố Palu bị hư hại nặng nề do sạt lở đất. Thêm vào đó, các mạng lưới điện và dịch vụ viễn thông bị gián đoạn cũng gây khó khăn cho việc xác định chính xác những nơi chịu thiệt hại nặng nề.
Động đất sóng thần Indonesia: Thảm kịch chưa kết thúc
Trước đó, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết, 17.000 người đã được sơ tán tạm thời. Ước tính, có tới 10.000 người đang phải sống trong các lều trại tạm ở 50 địa điểm tại thành phố Palu, với điều kiện sống thiếu thốn nước sinh hoạt, đồ ăn.
“Khi trận động đất xảy ra, tôi vừa hoàn thành việc mua sắm của mình và đến quầy thu ngân. Đột nhiên mọi thứ trở nên tối tăm và những bức tường bắt đầu đổ xuống xung quanh chúng tôi, nó thật khủng khiếp. Tôi với những chị em của tôi đã nhanh chóng chạy ra ngoài và may mắn thoát nạn”, một nạn nhân may mắn thoát nạn kể lại khoảnh khắc kinh hoàng của trận động đất.
Hội Chữ thập đỏ Indonesia thông báo, các nhân viên và tình nguyện viên của cơ quan này đang đến các khu vực bị ảnh hưởng. Quân đội Indonesia cũng đã huy động thiết bị, thuốc men cùng nhân viên y tế để chăm sóc, cứu chữa cho các nạn nhân bị thương. Ngoài ra, một tàu bệnh viện cũng sẽ cập cảng Koa Palu trong hai ngày tới.
Hiện Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị 560 tỷ rupiah, tương đương hơn 37 triệu USD, để chi cho công tác cứu trợ. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, số tiền này sẽ được giải ngân ngay lập tức trong ngày 30/9, để cơ quan này có thể nhanh chóng triển khai các hoạt động cứu trợ.
Trước thảm kịch đau lòng, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng chia sẻ sự mất mát với chính phủ và người dân Indonesia. Nước này đã gửi một nhóm nhân viên cứu trợ khẩn cấp tới Indonesia để cùng quốc gia Hồi giáo Đông Nam Á này khắc phục thảm họa. Còn Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã điện đàm với Tổng thống Indonesia trong đêm 29/9, bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ nếu được chính phủ Indonesia yêu cầu. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết sẽ sát cánh cùng Indonesia trong thảm họa thiên tai đau lòng này./.
Tường trại giam sập sau động đất, hàng trăm tù nhân Indonesia vượt ngục