Trong khi đó, số người bị thương cũng đã lên đến con số 11.000. 

cuu_ho_wdcl.jpgBinh sĩ Nepal nỗ lực tìm kiếm những người đang bị kẹt trong đống đổ nát (Ảnh AP)

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala cho biết, để tưởng nhớ người dân Nepal và người nước ngoài thiệt mạng trong trận động đất tàn phá, Nepal quyết định cử hành ba ngày quốc tang kể từ ngày 28/4. 

Ông cũng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực hết sức có thể nhưng thiệt hại mà thiên tai gây ra là quá lớn. Ông Koirala nhấn mạnh, việc thiếu thốn trang thiết bị và chuyên gia cứu hộ khiến Nepal có thể không đáp ứng được "những lời kêu cứu từ khắp mọi nơi". 

Hiện lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp tế cho các vùng hẻo lánh ở Himalaya nhưng gặp khó khăn do lở đất và các dư chấn. Theo người phát ngôn Chính phủ Nepal, trực thăng đã thả lều, thực phẩm khô và thuốc men xuống các làng hẻo lánh nhưng họ chưa thể tiếp cận nhiều khu vực bị cô lập.  

Trong khi đó, mưa lớn đang làm trầm trọng thêm tình cảnh "màn trời chiếu đất" của hàng trăm nghìn người sau động đất. Tại thung lũng Kathmandu, hàng nghìn người vẫn đang phải ngủ trên các vỉa hè, công viên và trên các khu đất trống trong thời tiết giá lạnh do lo sợ các khu nhà tiếp tục đổ sập. 

Hiện có khoảng 21 trại cứu trợ đang được dựng lên tại các khu đất trống xung quanh thủ đô Kathmandu. 

Anh Ragiu, một người sống sót sau trận động đất nói: "Hiện trời đang mưa nhưng chúng tôi không được cung cấp nhiều lều bạt. Rất nhiều người đều đã bị mưa ướt”. 

Mưa đã cản trở nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Nó cũng gây khó khăn cho những người còn sống sót này. 

Anh Nadeem và nhiều người khác trong gia đình hiện đang sống chen chúc trong một chiếc lều tạm mà không có gì cả. 

“Thật khó khăn khi sống trong hoàn cảnh này. Mưa đang thấm qua lều của chúng tôi và làm cho đồ đạc ướt. Chúng tôi cũng đang thiếu thực phẩm và nước uống trong khi nguồn viện trợ của chính phủ chưa đến đây”, anh Nadeem nói. 

Trong lúc này, các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, họ đang chạy đua với thời gian để phân phối hàng cứu trợ cho những người còn sống sót. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng đã cản trở phần nào những nỗ lực cứu trợ. 

Ông Rick Brennan-quan chức của Tổ chức Y tế thế giới nói: "Mối quan tâm lớn nhất đối với chúng tôi bây giờ là cứu hộ và khôi phục sau động đất. Các cơ sở điều trị y tế đã bị hư hại và thiếu thốn thuốc men và các thiết bị y tế khiến chúng tôi lo ngại sẽ cản trở việc cứu chữa cho những người bị thương. Mối lo ngại lớn hơn nữa là nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm". 

Theo các cơ quan của Liên Hợp Quốc, có tới 8 triệu người, tức là hơn 1/4 dân số Nepal bị ảnh hưởng bởi trận động đất vừa qua. 35 trong số 75 địa phương ở nước này, người dân vẫn chưa được tiếp cận với sự trợ giúp từ bên ngoài. 

Máy bay quân sự từ nhiều nước trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Israel đang tham gia vào nỗ lực cứu hộ. Tuy nhiên, sân bay ở thủ đô Kathmandu đang bị tắc nghẽn do các cá nhân tìm cách bay khỏi Nepal trong khi các chuyến bay cứu trợ và các nhóm cứu hộ chờ đợi để hạ cánh. 

Trước đó, Ấn Độ phải cử máy bay không người lái để quan sát hiện trạng ở những khu vực khó tiếp cận, nhằm tìm kiếm những ngôi nhà đổ nát có thể còn người bị kẹt ở bên trong. Như vậy con số thương vong do động đất vẫn còn là một ẩn số./.