Theo thông báo của hiệp hội dệt may Campuchia (GMAC), khoảng 200.000 công nhân làm việc trong các nhà máy dệt may và da giày đã phải nghỉ việc, và khoảng 100.000 công nhân khác đang đối mặt với tình trạng tương tự.
Ông Khen Lu, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Campuchia cho biết, 180 nhà máy đã phải ngừng sản xuất khiến cho khoảng 200.000 công nhân không có việc làm. Trong khi đó 10 công ty khác với 100.000 công nhân cũng đã nộp đơn xin tạm dừng sản xuất. Tính đến cuối tháng 5/2020, sẽ có hơn 300.000 công nhân Campuchia không có việc làm.
Ông Khen Lu cũng cho biết, tình trạng xuất khấu mặt hàng dệt may và da dầy của Campuchia đang gặp khó khăn do hai thị trường chính là châu Âu và Mỹ vẫn chưa mở cửa do dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, ông Heng Sua, người phát ngôn Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia cũng cho biết, do dịch bệnh Covid-19, lĩnh vực da giầy và dệt may của Campuchia không có một đơn hàng nào trong tháng 5 và tháng 6/2020.
Theo quy định của chính phủ Campuchia, khi công nhân bị mất việc thì sẽ được hỗ trợ 70 USD/tháng, trong đó chính phủ sẽ chi 40 USD và công ty chi 30 USD cho mỗi công nhân.
Lĩnh vực dệt may và da giầy giữ vai trò đầu tàu trong việc xuất khẩu của Campuchia. Lĩnh vực này thu hút khoảng 800.000 công nhân, trong đó phần lớn là người dân từ các vùng nông thôn. Theo báo cáo của hiệp hội dệt may Campuchia ( GMAC), 180 nhà máy phải tạm ngừng sản xuất sẽ không chỉ làm 200.000 công nhân mất việc làm, mà còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến đời sống của hơn 2 triệu người khác trong xã hội./.