Châu Âu đang là tâm dịch Covid-19 khi số ca tử vong tại Italia đã vượt quá 1.000 và số người nhiễm cũng trên 15.000 ca. Ngoài ra, Tây Ban Nha, Pháp và Đức cũng tăng mạnh về số trường hợp dương tính với Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh bao trùm toàn bộ châu Âu, hàng loạt sự kiện tại châu lục này đã bị hủy bỏ.

cov_jzao.jpg
Đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt các sự kiện trên thế giới bị hủy. Ảnh: Reuters

Những ngày vừa qua, thể thao thế giới đã bị ảnh hưởng lớn bởi sự bùng phát của Covid-19, đặc biệt tại châu Âu. Tính riêng bóng đá, giải đấu lớn nhất Tây Ban Nha La Liga đã phải tạm hoãn trong 2 tuần; giải đấu hàng đầu Italia Seria cũng hoãn đến đầu tháng 4 và nhiều nơi khác phải tổ chức các trận đấu không có khán giả.

Giải đấu lớn nhất nước Anh Premier League đã đưa ra thông báo vẫn sẽ diễn ra bình thường, có khán giả tại vòng đấu cuối tuần này, tuy nhiên sau khi huấn luyện viên trưởng đội bóng Arsenal Mikel Arteta được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 vào sáng qua nhiều khả năng ban tổ chức sẽ có những quyết định mới.

Ngoài ra, các giải đấu nổi tiếng khác tại Mỹ như giải bóng rổ nhà nghề NBA, giải hockey NHL, giải bóng chày MLB cũng đã thông báo hoãn vô thời hạn. Các giải đấu tennis thuộc hệ thống ATP cũng tạm hoãn trong 6 tuần.

Ngoài các sự kiện thể thao bị hoãn, tối qua, Anh và Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo chung cho biết vòng 2 cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit dự kiến diễn ra tại thủ đô London của Anh vào tuần tới đã bị hủy do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tuyên bố chung nêu rõ: "Trước những diễn biến mới nhất liên quan đến Covid-19, các nhà đàm phán thỏa thuận thương mại Anh và EU đi đến quyết định sẽ không tổ chức vòng đàm phán vào tuần tới tại London như dự kiến ban đầu". Thay vì gặp nhau trực tiếp đàm phán tại London, các bên đàm phán cho biết "đang tìm các cách thức khác để tiếp tục công việc đàm phán, có thể tính đến hình thức hội nghị trực tuyến".

Hơn một trăm chuyên gia thương mại của phía EU dự kiến sẽ đến London vào tuần tới để tiếp tục công việc đàm phán vòng 2. Sau khi vòng đàm phán đầu tiên kết thúc, người đứng đầu đoàn đàm phán EU ông Michel Barnier từng tiết lộ "sự khác biệt quan điểm nghiêm trọng" giữa Anh và EU. Hai bên có kế hoạch sẽ kết thúc 5 vòng đàm phán vào giữa tháng 5/2020, và sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh Anh-EU vào tháng 6/2020.

Ngoài việc hủy các sự kiện, hàng loạt các nước tại châu Âu cũng ban hành các lệnh cấm tụ tập nơi đông người và đóng cửa trường học.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Macron cho biết, từ tuần tới sẽ đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục tại Pháp, từ nhà trẻ đến đại học để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Mô tả sự bùng phát của dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất của Pháp trong vòng một thế kỷ, ông Macron kêu gọi các nhà tuyển dụng cho phép nhân viên làm việc tại nhà và đề nghị người già và người có sức khỏe yếu nên ở trong nhà.

“Tôi đề nghị tất cả những người trên 70 tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mãn tính và các vấn đề về hô hấp ở nhà càng nhiều càng tốt. Họ có thể ra ngoài để mua sắm và hít thở không khí trong lành, nhưng phải hạn chế tiếp xúc với người”, Tổng thống Pháp khẳng định.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Merkel đã kêu gọi mọi công dân "hạn chế tối đa" những tiếp xúc ngoài xã hội, kêu gọi các bang hủy mọi sự kiện không cấp bách, kể cả với những sự kiện có với số người tham dự dưới 1.000 người, đồng thời cho biết Quốc hội liên bang và Hội đồng liên bang (Thượng viện) sẽ họp trong ngày hôm nay để thông qua quy định về việc rút ngắn giờ làm cũng như một số biện pháp "toàn diện" khác.     

Ngoài ra, các nước khác như Ireland, Bồ Đào Nha, Latvia… cũng ban hành lệnh cấm tụ tập nơi công cộng và đóng cửa trường học trên toàn quốc như một biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Người dân được khuyến cáo tránh đi lại, đặc biệt là ra nước ngoài. Chính quyền các nước này cũng khuyến cáo những người trở về từ những khu vực có nguy cơ cao phải tự cách ly tại nhà, tránh đi làm, theo dõi sức khỏe bằng cách đo thân nhiệt 2 lần/ngày.

Trong khi đó, mặc dù chưa tuyên bố đóng cửa trường học nhưng chính phủ Anh đang xem xét áp dụng các biện pháp mà các nước châu Âu khác đang thực hiện trên cơ sở các ý kiến tham mưu khoa học và y tế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận đây là “cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong cả một thế hệ” và nhắc lại cảnh báo rằng Covid-19  là dịch bệnh nguy hiểm hơn cúm thông thường rất nhiều và sẽ còn lan rộng hơn tại Anh trong những ngày tới. 

Một số quốc gia và khu vực trên thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 như Cộng hòa Séc, Latvia, Argentina và thành phố New York của Mỹ./.