Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã bày tỏ lo ngại, nhất là khi không có “liên hệ dịch tễ học rõ ràng” trong các ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đại lục như từng đến vùng dịch hay từng tiếp xúc với người bệnh.
Trong khi số ca nhiễm mới và tử vong tại Trung Quốc có dấu hiệu giảm, thì tình hình dịch bệnh trên thế giới lại diễn biến đáng lo ngại. Ảnh minh họa: Reuters |
Tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, dù dịch bệnh vẫn đang ở giai đoạn có thể kiểm soát được, song cánh cửa đang dần bị thu hẹp. Ông đồng thời nhấn mạnh tới tình trạng thiếu sự hỗ trợ tài chính quốc tế trong ngăn ngừa dịch bệnh:
“Mặc dù cánh cửa cơ hội đang thu hẹp lại, song không phải là đã hết, Chúng ta vẫn có cơ hội để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên để làm được điều này chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt cho bất tình huống nào. Nếu chúng ta làm tốt, chúng ta có thể đảo ngược hay ngăn chặn được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Nếu không, thì có nghĩa là chúng ta đã lãng phí cơ hội và vấn đề nghiêm trọng sẽ xảy ra”.
Trong khi số ca nhiễm mới và tử vong mới do COVID 19 tại “tâm dịch” Trung Quốc đều giảm, thì dịch bệnh lại diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, với trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận tại Lebanon và Israel, 2 trường hợp tử vong mới tại Iran nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 4 người, trong khi số ca nhiễm bệnh và tử vong tại Hàn Quốc tăng lên gấp đôi.
Trong một dấu hiệu cho thấy mức độ lo ngại ngày càng tăng, các cửa hàng, quán ba, trường học, nhà thờ, sân vận động, thư viện và những nơi công cộng khác đều đóng cửa trong 1 tuần tại 11 thành phố ở phía Bắc Italia sau khi cơ quan y tế nước này hôm qua thông báo 16 ca nhiễm mới COVID 19 và xác nhận “ổ dịch” đầu tiên tại thị trấn miền Bắc Codogno, với 14 ca bị lây nhiễm.
Quan chức tỉnh Lombardy cho biết: “Chúng tôi đang làm việc để xác định tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nhiễm bệnh. Với các ca nhiễm mới tăng trong những giờ qua, chúng tôi khuyến cáo tất cả các cư dân của các thành phố Codogno, Castiglione D’adda và Casalpusterlengo nên ở trong nhà”.
Còn tại Nhật Bản, tàu du lịch Diamond Princess dù đã kết thúc giai đoạn cách ly 14 ngày hôm 19/2 vừa qua, song vẫn tiếp tục gây lo ngại. Hai hành khách người Australia trên tàu, ban đầu xét nghiệm âm tính với chủng virus corona mới, song lại được xác nhận dương tính với Covid-19 khi trở về nước. Hàng trăm hành khách trên tàu đã được phép lên bờ sau 14 ngày cách ly.
Điều khiến Tổ chức y tế thế giới đặc biệt lo ngại lúc này là sự xuất hiện của các ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đại lục mà không có “liên hệ dịch tễ học rõ ràng” nào như từng đến vùng dịch hay tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, không chỉ số ca nhiễm mới tăng, mà cách thức lây truyền cũng thay đổi tại các khu vực khác nhau:
“Số người nhiễm COVID 19 ở các nước khác mặc dù là thấp, song lại không liên quan đến Vũ Hán hay Trung Quốc, đó là điều đáng lo ngại. Iran trong 2 ngày qua đã xác nhận 18 trường hợp và 5 trường hợp tử vong. Điều này là đáng lo ngại, song không chỉ có vậy. Bởi hiện nay có một trường hợp nhiễm bệnh liên quan tới Iran, đó là tại Lebanon. Bệnh nhân là một phụ nữ 45 tuổi và đây là một điểm thực sự rất đáng lưu tâm. Bởi đây có thể là một sự thay đổi hoặc một xu hướng.”
Cơ quan Liên Hợp Quốc mới đây thông báo bổ nhiệm 6 phái viên đặc biệt, trong đó có ông Daivid Nabarro, từng là điều phối viên của Liên Hợp Quốc trong phòng chống dịch Ebola tại Tây Phi hồi cuối năm 2013 và 2016. Nhiều lần nhấn mạnh tới những biện pháp “nghiêm túc và quyết liệt” mà chính phủ Trung Quốc đang triển khai nhằm kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc và đặc biệt là thành phố Vũ Hán, nơi Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên hồi cuối năm 2019 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục kêu gọi các nước cũng hành động một cách nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa./.
Cập nhật ngày 22/2: Trung Quốc có thêm 109 ca tử vong do Covid-19