Dù đang “đau đầu” với cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19, ngày 17/3, lãnh đạo 3 nước châu Âu, gồm  Anh, Pháp và Đức vẫn phải tổ chức hội nghị trực tuyến với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, đồng thời thảo luận thêm về vấn đề nhân đạo cho người dân khu vực Idlib, Tây Bắc Syria.

nguoi_di_cu_daily_express_nnep.jpg
Ảnh minh họa: Daily Express

Theo kế hoạch ban đầu, đây lẽ ra là một cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên trực tiếp, được tổ chức tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, cả 4 quốc gia này đã áp dụng các quy định về hạn chế đi lại và cuộc họp đã được chuyển sang trực tuyến.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 2 đã quyết định mở cửa biên giới để người di cư, tị nạn tại nước này tự do tràn sang châu Âu. Tuy nhiên, Hy Lạp đã ngăn dòng người di cư lại, các nước châu Âu khuyên can Thổ Nhĩ Kỳ tránh hành động khiêu khích nếu muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ.

Phát biểu sau cuộc họp ngày 17/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, các bên đã có cơ hội thảo luận sâu hơn về thỏa thuận di cư năm 2016 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình chiến sự và vấn đề nhân đạo tại tỉnh Idlib, Syria– đây cũng là 2 vấn đề lớn mà Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn các nước châu Âu hỗ trợ và ủng hộ quyết liệt hơn, cụ thể là bằng tiền và quân sự.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các nước trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19 cũng đã được lãnh đạo 4 nước đề cập đến. Ông Erdogan khẳng định, các bên sẽ tiếp tục sử dụng giải pháp ngoại giao và thúc đẩy sự hợp tác tích cực để giải quyết hoàn toàn các vấn đề đang tồn tại.

Trong khi đó, ngay sau cuộc họp, Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo, Paris sẽ cung cấp thêm số tiền 50 triệu euro để viện trợ nhân đạo cho Syria và một nửa trong số  đó dành riêng cho người dân tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Quốc gia Trung Đông này – nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng quân. Tuy nhiên, Pháp sẽ theo dõi sát về việc sử dụng số tiền này đúng mục đích.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ tạm hài lòng với lệnh ngừng bắn tạm thời tại tỉnh Idlib, mà Nga – Thổ vừa đạt được: “Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh tin tức rằng đã có một lệnh ngừng bắn tạm thời. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thông báo cho chúng tôi về các cuộc tuần tra chung dọc theo tuyến đường chiến lược M4 gần Idlib. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn thúc đẩy một quá trình chính trị rộng lớn hơn nữa tại Syria”.

Theo giới phân tích nhận định, các tuyên bố sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo đều không trực tiếp đề cập đến vấn đề di cư và dường như vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện các nước châu Âu mới chỉ đồng ý tiếp nhận 1.500 trẻ tị nạn. Tuy nhiên, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ngày 17/3 cho biết, kế hoạch tiếp nhận này đang bị thay đổi với lệnh phong tỏa của châu Âu do dịch Covid-19.

Liên quan đến tình hình chiến sự tại Idlib, dù đã tạm lắng xuống, song đây vẫn là khu vực mà thế giới đang hết sức quan ngại  nếu dịch bệnh Covid-19 có mặt tại đây. Các bác sĩ và các tổ chức nhân đạo tại Idlib cho biết, với các khu tập trung đông người tị nạn, cơ sở y tế lạc hậu do chiến tranh tàn phá, nếu dịch Covid-19 bùng phát, đây sẽ là 1 cuộc khủng hoảng thực sự.

Tổ chức Y tế thế giới WHO hai ngày trước đã thông báo cơ quan này sẽ bắt đầu tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại khu vực Tây Bắc Syria nghi nhiễm ngay trong tuần này nếu có đủ các thiết bị và phương tiện hỗ trợ.

Tại các khu vực còn lại của đất nước Syria, chính phủ quốc gia Trung Đông cũng đã bắt đầu xét nghiệm Covid-19 cho những người nghi nhiễm, song chưa thông báo bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh nào./.