Hôm 18/7, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi cho biết, Iran đã xây dựng một nhà máy có thể sản xuất các rotor để lắp đặt cho khoảng 60 máy ly tâm trong một ngày. Động thái này được cho là nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc ký năm 2015.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi. Ảnh: IFP. |
Ông Salehi cho biết, nhà máy mới này không vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ và Đức) hồi năm 2015, còn có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Truyền thông nhà nước Iran dẫn phát biểu của ông Salehi cho biết, Iran đã xây dựng nhà máy này trong quá trình đàm phán, nhưng chưa bắt đầu vận hành.
"Thay vì xây dựng nhà máy này trong 7 hoặc 8 năm tới, chúng tôi đã xây dựng nhà máy này khi trong quá trình đàm phán nhưng không vận hành. Tất nhiên, lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã được thông báo đầy đủ và chúng tôi đã cung cấp thông tin cần thiết cho ông vào lúc đó và bây giờ, ông đã ra lệnh cho nhà máy bắt đầu đi vào vận hành”.
Theo ông Salehi, nhà máy sẽ có công suất chế tạo các rotor cho khoảng 60 máy ly tâm IR-6/ngày. Rotor là phần chuyển động, phần động, phần quay của máy như trong động cơ điện, máy phát điện hay máy ly tâm.
Tuyên bố của người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran đưa ra chỉ một tháng sau khi Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei thông báo đã chỉ thị cho các cơ quan liên quan chuẩn bị tăng cường năng lực làm giàu uranium nếu thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc đổ vỡ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này. Hồi tháng 6, ông Salehi đã thông báo rằng Iran đã bắt đầu xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc chế tạo các máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở Natanz.
Trước đó, ngày 17/7, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết, Iran sẵn sàng tăng cường hoạt động làm giàu uranium lên mức độ cao hơn nếu các cuộc đàm phán với châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân thất bại. Một mặt, quan chức Iran cũng khẳng định rằng nước này đang tiếp tục triển khai và thực hiện các trách nhiệm của họ theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1.
Những động thái của Iran diễn ra sau khi ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran.
Trong nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận này, Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu tham gia ký văn kiện gồm Anh, Pháp và Đức đã đưa một loạt “đảm bảo” về kinh tế với Iran, song chừng ấy dường như được phía Iran đánh giá là “chưa đủ”. Theo các nhà phân tích khu vực, nếu các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, việc nối lại hoạt động làm giàu uranium của Iran là “gần như chắc chắn” và sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ “cảnh báo”.
Khi ấy, những nỗ lực nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa khu vực Trung Đông, cũng như ngăn chặn việc phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng “đi vào ngõ cụt”. Thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh và sự ổn định của Trung Đông./.