Đảo Zmeiny (đảo Rắn) trên Biển Đen, nơi được Nga kiểm soát trong ngày đầu tiên của chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Suốt thời gian qua, các lực lượng của Ukraine đã vài lần nỗ lực tấn công để giành lại, nhưng đều thất bại. Theo chuyên gia, mặc dù rút quân, nhưng đảo Rắn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của họ trên đảo, như một "bước đi thiện chí", đã rút lực lượng đồn trú ở đó. Với bước đi này, Nga đã cho cộng đồng thế giới thấy rằng, họ "không cản trở các nỗ lực của LHQ trong việc tổ chức một hành lang nhân đạo" cho việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, "quyết định này sẽ không cho phép Kiev đầu cơ về chủ đề khủng hoảng lương thực sắp xảy ra, đề cập đến việc không thể xuất khẩu ngũ cốc do Nga kiểm soát hoàn toàn phần tây bắc của Biển Đen".

Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, ít người biết đến đảo Rắn với diện tích 20,5 ha và dân số chưa đến một trăm người nằm ở Biển Đen gần Odessa. Tuy nhiên, sau ngày 25 tháng 2, khi quân đội Nga tuyên bố chiếm được hòn đảo này, tình hình đã thay đổi. Theo chuyên gia quân sự Ukraine Oleg Zhdanov, nếu quân đội Nga thành công trong chiếm hòn đảo và triển khai hệ thống phòng không tầm xa của họ ở đó, thì “họ sẽ kiểm soát vùng biển, đất liền và trên không ở phần tây bắc của Biển Đen và ở miền nam Ukraine".

Vậy điều gì có thể ẩn sau quyết định rút quân của Nga khỏi đảo Rắn? Chuyên gia quân sự - đại úy cấp 1 trong lực lượng dự bị Vasily Dandykin cho rằng, mọi thứ được quyết định bởi sự hợp lý trong quân đội Nga, theo tính toán của Bộ Tổng tham mưu. Khi cần thiết, họ chiếm đảo và họ đã lấy nó theo cách kinh điển- bắt gần một trăm lính biên phòng Ukraine. Sau đó họ đã nắm giữ đảo trong một thời gian dài và thành công. Mọi nỗ lực của Lực lượng vũ trang Ukraine nhằm chiếm hòn đảo đều bị đẩy lùi. Gần như một phi đội máy bay Ukraine đã bị bắn rơi, một số lượng không thể đếm được của máy bay không người lái, một số tàu thuyền của lực lượng đặc nhiệm hải quân bị đánh chìm.

Chuyên gia Dandykin nhận định rằng, với những gì sắp xảy ra ở Donbass, nơi trong những tuần tới, tiếp sau Severodonetsk và Lysichansk, Kiev sẽ mất Slavyansk và Kramatorsk. Hướng di chuyển chính của các lượng Nga sẽ không về phía Nikolaev và Odessa, mà về phía Kharkov, Zaporozhye, Dnepropetrovsk. Ông cho rằng, đây sẽ là những điểm chính trong tiến trình của quân đội Nga những tháng tới. Vì vậy, việc lãng phí lực lượng vào lúc này để phòng thủ đảo Rắn, nơi được coi là bàn đạp cho một cuộc tấn công vào Odessa chưa cần thiết. Hơn nữa, trong mọi trường hợp, nếu Lực lượng vũ trang Ukraine có ý định đặt thứ gì đó lên đảo Rắn, chẳng hạn như tên lửa, thì chắc chắn lực lượng Nga sẽ rất dễ dàng ngăn cản. Mọi thứ sẽ nằm dưới sự giám sát của Hạm đội Biển Đen và Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Tên lửa của các hệ thống tên lửa bờ biển "Bastion" hoặc "Bal" sẽ bay đến từ Crimea.

Chuyên gia không loại trừ rằng, có những tính toán chính trị đằng sau các cuộc ruát quân khỏi đảo Rắn. Theo ông, có vẻ như điều này là do đã có những thỏa thuận ở cấp cao, có thể với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã đề nghị hòa giải trong việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Có thể, dưới sự đảm bảo của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga được hứa rằng, Ukraine sẽ không bắn vào các giàn khoan ở Biển Đen, nằm gần đảo Rắn. Các cuộc tấn công vào các giàn khoan của Nga sẽ dừng, ngay sau khi rút quân khỏi đảo này.

Theo quan điểm của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện Châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế- Đại học Nghiên cứu Quốc gia, một chuyên gia của Hội đồng Nga về Các vấn đề Quốc tế Vasily Kashin, đảo Rắn là một hang đá phẳng; để chuẩn bị cho việc phòng thủ, cần dành vài tháng để tạo ra các công sự lâu dài. Chỉ có thể giữ hòn đảo cho đến khi phía Ukraine có đủ pháo tầm xa.

Hòn đảo nằm cách bờ biển 35 km - các khẩu pháo 155 mm của NATO mà Ukraine nhận được đang phát huy tác dụng. Chuyên gia Kashin lưu ý rằng, “không thể bắn hạ mọi tên lửa phóng loạt đang bay tới và thậm chí còn hơn thế nữa, mọi quả đạn bay tới từ súng tầm xa, với tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không Pantsir, điều này đòi hỏi một số lượng tên lửa khổng lồ.” Cũng không có hệ thống tên lửa tầm xa nào được biết đến đóng tại đảo Rắn.

Mặt khác, khi người Ukraine chiếm đóng hòn đảo, họ sẽ ở một vị trí thậm chí còn tồi tệ hơn, vì họ không có hệ thống phòng không tiên tiến. Chuyên gia Kashin cho rằng, “phía Nga sẽ có thể thực hiện định kỳ nhiều cuộc tấn công tên lửa và không kích vào hòn đảo, điều này sẽ khá khó khăn để chống đỡ”. Ông tin rằng, ý nghĩa của việc giữ đảo chủ yếu là chính trị, vì có thể ngăn chặn việc sử dụng các cảng của Ukraine, mà không có quyền kiểm soát đối với hòn đảo này./.