Việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm qua (21/3) ra phán quyết không công nhận cuộc tổng tuyển cử tháng 2/2014 càng khiến tình hình chính trị nước này thêm bế tắc sau các cuộc biểu tình kéo dài của lực lượng chống chính phủ. Đảng Vì nước Thái (Puea Thái) cầm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã phản đối phán quyết này và cho biết đang lên kế hoạch khởi kiện Đảng Dân chủ đối lập, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và Ủy ban bầu cử (EC) vì đã làm cuộc bầu cử bị mất hiệu lực, gây thiệt hại cho đất nước.

thu%20tuong%20yingluck%20thach%20thuc.jpg
Bà Yingluck (ảnh: Japan Times)

Phán quyết của Tòa án hiến pháp dựa theo đơn kiện của Văn phòng Ombudsman, trong đó giảng viên luật tại Đại học Thammasat, Kittipong Kamolthamwong, yêu cầu tòa án hủy bỏ hiệu lực của cuộc bầu cử Tháng Hai vì cho rằng tiến trình này đã vi phạm hiến pháp. Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuộc bầu cử không có hiệu lực vì đã không diễn ra trong cùng một ngày trên cả nước, vi phạm quy định của hiến pháp. Theo phán quyết của tòa án, cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức trong 1 ngày duy nhất trong thời hạn không sớm hơn 45 ngày và không quá 60 ngày kể từ ngày có phán quyết của tòa án.

Phản ứng sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, Đảng Vì nước Thái cầm quyền cho rằng, Văn phòng Ombudsman không có thẩm quyền gửi đơn kiện trên, vì vậy Tòa án Hiến pháp không thể thụ lý đơn kiện này. Người phát ngôn của đảng cầm quyền cho biết đảng này đang lên kế hoạch khởi kiện Đảng Dân chủ, thủ lĩnh biểu tình Suthep và Ủy ban bầu cử vì đã làm cuộc bầu cử bị mất hiệu lực, gây thiệt hại cho đất nước. Đảng Vì nước Thái cũng sẽ yêu cầu các ứng cử viên quốc hội trên toàn quốc đòi bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do phán quyết của tòa.

Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, dư luận đặt ra nhiều vấn đề, như việc ai sẽ chịu trách nhiệm về khoản chi phí tổ chức bầu cử 3 tỷ baht hay tại sao quyền tranh cử và bỏ phiếu của người dân lại không được tôn trọng và liệu những người cản trở tiến trình bầu cử có phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của cuộc bầu cử lần này hay không. Trong khi đó, người dân Thái Lan có những phản ứng khác nhau về việc có nên tổ chức một cuộc bầu cử mới hay không trong bối cảnh tình hình đất nước còn nhiều bất ổn.

 “Nếu chính phủ tổ chức một cuộc bầu cử khác trong tình hình bất ổn hiện nay, thì đất nước chúng ta sẽ không thể có hòa bình”.

 “Tôi có thể tán thành việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới nếu chúng ta có thể tổ chức tổng tuyển cử trên cả nước trong cùng một ngày và không có sự cản trở nào. Nhưng cũng có một số người không đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử mới”.

Cho đến nay, cả Đảng Dân chủ và Thủ lĩnh biểu tình Suthep vẫn đe dọa có thể sẽ lại tẩy chay cuộc bầu cử mới chừng nào chưa tiến hành xong cuộc cải cách. Giới chuyên môn đánh giá đảng Dân chủ sẽ thất bại nếu như một cuộc bầu cử mới được tổ chức ngay trong thời gian tới và đây cũng chính là lý do mà đảng này tẩy chay cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Cuộc bầu cử sớm hôm 2/2 là giải pháp chính trị được Thủ tướng Yingluck đưa ra nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan, nhưng đã vấp phải sự phản đối và tẩy chay của phe đối lập. Cuộc bỏ phiếu bị gián đoạn tại 127 trong 375 khu vực bầu cử trên toàn quốc, với khoảng 12 triệu cử tri đủ điều kiện đã không thể đi bỏ phiếu.

Hồi năm 2006, Tòa hiến pháp từng có phán quyết tương tự khi không công nhận kết quả bầu cử xác định chiến thắng cho đảng của ông Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck. Ông Thaksin sau đó ấn định 6 tháng sau tổ chức bầu cử mới nhưng chưa đến ngày thì quân đội đã tiến hành đảo chính lật đổ ông./.