Hơn 200.000 người dân vùng Catalonia đã xuống đường biểu tình trong ngày 17/10 nhằm phản đối việc chính quyền Tây Ban Nha bắt giữ 2 thủ lĩnh các phong trào dân sự đòi độc lập của vùng Catalonia.
Các cuộc xuống đường đã diễn ra trong cả ngày 17/10 và lên đến cao điểm vào cuối giờ chiều cũng như trong buổi tối tại các quảng trường trung tâm ở thành phố Barcelona, thủ phủ vùng Catalonia.
Theo các bản tin của báo chí vùng Catalonia, trong số những người xuống đường biểu tình có nhiều người không thuộc phe ly khai nhưng vẫn quyết định đi biểu tình vì không chấp nhận hành động bắt giữ người của chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Ngay sau khi vụ bắt giữ xảy ra, các lãnh đạo ly khai đã đồng loạt tố cáo chính quyền Tây Ban Nha hành xử độc đoán và coi 2 người bị bắt giữ là “tù nhân chính trị”.
Tuy nhiên, chính quyền Tây Ban Nha vẫn giữ vững quan điểm cứng rắn rằng các ý định ly khai ở Catalonia là bất hợp pháp. Trong ngày 17/10, Toà Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết coi luật về cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10 mà Nghị viện vùng Catalonia đưa ra là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng tiếp tục đáp trả ý định ly khai của vùng Catalonia bằng các động thái cứng rắn. Hôm 16/10, sau khi người đứng đầu chính quyền vùng Catalonia là ông Carles Puigdemont đưa ra đề nghị cho vùng Catalonia thêm thời hạn 2 tháng để tiến hành đàm phán, chính phủ Tây Ban Nha của Thủ tướng Mariano Rajoy đã lập tức từ chối và tuyên bố chính quyền Catalonia chỉ có hạn chót đến 10h sáng ngày 19/10, theo giờ địa phương, để làm rõ các ý định ly khai. Sau thời hạn đó, chính quyền Tây Ban Nha sẽ sẵn sàng áp dụng điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha để tước bỏ quyền tự trị của vùng Catalonia.
Hiện tại, tình hình căng thẳng leo thang ở Catalonia đang đầu độc không khí chính trị cũng như môi trường kinh tế tại vùng này. Trong 2 tuần đầu tháng 10, đã có đến gần 700 doanh nghiệp tiến hành việc chuyển trụ sở khỏi vùng Catalonia, cao hơn cả 9 tháng đầu năm 2017 do lo ngại căng thẳng chính trị.
Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Catalonia, cũng chịu ảnh hưởng nặng. Lượng du khách đến Catalonia vào thời điểm này giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự đoán có thể lên đến 30% trong những tháng tới nếu bất ổn chính trị hiện nay kéo dài. Đây là tin tức hết sức bi quan với Catalonia bởi đây là vùng thu hút đông du khách nước ngoài nhất tại Tây Ban Nha, với lượng du khách hàng năm lên tới 18 triệu lượt người./.
Tòa Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên trưng cầu ý dân ở Catalonia vô hiệu
Chính phủ Tây Ban Nha ra “tối hậu thư” cho Catalonia