RT cho biết, cuộc đàm phán hòa bình tại Moscow, Nga, với sự tham dự của lãnh đạo các bên tham chiến tại Libya là một bước đi quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu tại quốc gia này.

Ông Fayez al-Sarraj – người đứng đầu chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn tại Tripoli và Tướng Khalifa Haftar – chỉ huy lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) đối lập đã dành 6 tiếng đồng hồ cho cuộc đàm phán kín do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải. Cuộc đàm phán diễn ra có chút bất ngờ bởi trước đó ông Haftar đã “phớt lờ” lệnh ngừng bắn do Moscow và Ankara đề xuất.

 

libya_njno_ywgm.jpg
Người đứng đầu chính phủ đoàn kết dân tộc Fayez al-Sarraj (trái) và Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AP.

Tối qua (13/1) (theo giờ Moscow), một thỏa thuận dự thảo giữa ông al-Sarraj và ông Haftar cho biết cả hai bên ủng hộ lệnh ngừng bắn vô điều kiện. Tuy nhiên, chỉ có các đại diện của GNA ký vào thỏa thuận này, còn ông Haftar yêu cầu có thêm thời gian đến sáng nay (14/1) để xem xét thỏa thuận. Thỏa thuận này cũng kêu gọi thành lập một ủy ban quân sự để xác định đường dây liên lạc giữa các bên tham chiến.

Trong khi đó, truyền thông Nga đưa tin, khi cả hai bên cùng có mặt tại một địa điểm, ông al- Sarraj đã từ chối tham gia đàm phán trực tiếp với ông Haftar. Dù không tạo ra bước đột phá lớn, nhưng cuộc đàm phán tại Moscow ngày 13/1 là một bước đi quan trọng, giúp mở đường cho một Hội nghị Thượng đỉnh khác dự kiến diễn ra tại Berlin vào cuối tháng 1 này. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (13/1) cho biết, cuộc đàm phán tại Berlin sẽ là khởi đầu của một “tiến trình dài hơn” nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng Libya.

Việc các phe phái đối đầu tại Libya ngồi vào bàn đàm phán là điều khá ngạc nhiên. Trên trang cá nhân Twitter, nhà báo Mary Fitzgerald, đồng thời là nhà nghiên cứu về Libya cho biết: “Rất ít người, đặc biệt là tại châu Âu dự đoán điều này sẽ diễn ra”. Trong bối cảnh Quân đội quốc gia Libya chuẩn bị tiến gần đến thủ đô Tripoli, tình hình tại Libya đang có nguy cơ leo thang căng thẳng trước khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp.

Ông Grigory Lukyanov, giảng viên tại Trường Kinh tế ở Moscow nhận định, hiện giờ Nga là bên nắm vị trí quan trọng nhất để tổ chức các cuộc đàm phán bởi Moscow là nhân tố duy nhất nhận được sự tin tưởng của cả hai phe phái tại Lybia, cũng như Thổ Nhĩ và Ai Cập – những nước hậu thuẫn các bên đối lập trong cuộc xung đột. Tất nhiên câu hỏi lớn đặt ra là có bất cứ lệnh ngừng bắn nào có thể duy trì sau các cuộc đàm phán tại Moscow và Berlin hay không, ông Mark Almond, giám đốc Viện nghiên cứu khủng hoảng tại Oxford, Anh cho biết. Theo ông Mark Almond,  việc các cuộc giao tranh bị “đóng băng” ít nhất đã “mang lại thời gian và khả năng để tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo”.

Libya đã chìm trong hỗn loạn, kể từ sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành chiến dịch quân sự nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từ năm 2011. Điều này cũng tạo ra một khoảng trống quyền lực, mà nhiều phe phái tham chiến tại Libya đang cố gắng lấp đầy./.