Sau 6 tháng gián đoạn, các cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ và Đức) ngày 15/10 được tái khởi động tại Geneva, Thụy Sĩ.

Cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa Iran và nhóm P5+1 được xem là cơ hội tốt nhất có được từ nhiều năm nay nhằm chấm dứt những bế tắc đã kéo dài hàng thập kỷ xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và cũng là để xoa dịu những lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc chiến mới tại khu vực Trung Đông. Các bên đều đang đi tới bàn đàm phán bằng một tinh thần lạc quan và thiện chí, song sự nhượng bộ lẫn nhau thì vẫn còn mờ nhạt.

hat-nhan-iran1.jpg
Một cơ sở hạt nhân của Iran (Ảnh: AP)

Đây là cuộc đàm phán lần đầu tiên giữa Iran và nhóm P5+1, kể từ khi ông Hassan Rowhani, một ứng cử viên phe cải cách, trở thành Tổng thống của nước Cộng hòa Hồi giáo tháng 6 vừa qua.

Cuộc đàm phán tại Geneva là một “phép thử” bước đầu đối với các cam kết mềm mỏng của tân Tổng thống Iran Rowhani, những cam kết vốn đã làm dấy lên những kỳ vọng về một giải pháp “thương lượng” về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Phía Iran tuyên bố mang đến bàn đàm phán một đề xuất mới nhằm xua tan những lo ngại về chương trình hạt nhân của nước này. Mặc dù không đề cập chi tiết về đề xuất mới, song nước Cộng hòa Hồi giáo khẳng định mong muốn được đi trên con đường xây dựng lòng tin với Mỹ và phương Tây.

Chính quyền Iran cũng khẳng định tiến trình đàm phán sẽ cần tới thiện chí và quyết tâm của tất cả các bên và hy vọng cuộc đàm phán tại Geneva sẽ giúp vạch lộ trình cho nhiều cuộc đối thoại cấp cao trong tương lai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hassan Ghashghavi cho biết: “Hai bên đang tham gia vào cuộc đàm phán với cái nhìn đầy hi vọng và tích cực. Tôi cho rằng, không có lý do gì để chúng ta không lạc quan trong việc giải quyết các vấn đề này. Tại cuộc đàm phán, chúng ta sẽ xác định hướng đi trong tương lai”.

Tiến tới bàn đàm phán với Iran tại Geneva, Mỹ và phương Tây cũng mang đến một thái độ thiện chí và lạc quan khi để ngỏ khả năng nghiêm túc xem xét việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm đáp ứng bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Iran. Các nhà ngoại giao cũng cho biết kịch bản về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đã được soạn thảo trước các cuộc đàm phán.

Trước thái độ tích cực của Iran về các đề xuất mới, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng hi vọng những đề xuất mới mà Iran đưa ra tại cuộc gặp lần này sẽ là cách tiếp cận mới của Iran kể từ khi Tổng thống Rowhani lên cầm quyền với những cam kết về cải thiện mối quan hệ giữa Iran và cộng đồng quốc tế.

Đề xuất này sẽ có đủ khả năng để thúc đẩy một lộ trình hiệu quả trong tương lai nhằm chấm dứt những bất đồng về hoạt động hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nhóm P5+1 cũng thận trọng cho rằng, Iran sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy các cuộc đàm phán và đẩy lùi các biện pháp trừng phạt vốn đang làm tê liệt nền kinh tế của nước này.

Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Catherine Ashton bày tỏ: “Tôi hài lòng khi chúng ta nhất trí tổ chức cuộc đàm phán lần này tại Geneva. Tôi hi vọng chúng ta sẽ có 2 ngày làm việc hiệu quả và xem xét các đề xuất được đưa ra tại bàn đàm phán. Tôi hi vọng cuộc đàm phán này sẽ là một cơ hội để xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng và tìm ra các giải pháp”.

Lạc quan là điều không thể thiếu khi bước vào bất kỳ cuộc đàm phán nào, song theo giới phân tích, các cuộc thảo luận tại Geneva sẽ gặp khá nhiều trở ngại khi mà có vẻ chưa bên nào chịu nhượng bộ bên nào.

Iran sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực tại cuộc họp hôm nay khi nhóm P5+1 có thể sẽ tiếp tục yêu cầu nước Cộng hòa Hồi giáo phải cắt giảm bớt các hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lại việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây và Mỹ.

Theo các nguồn tin nước ngoài, tại Geneva, Mỹ và phương Tây sẽ không chỉ tiếp tục yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani ở cấp độ cao và chuyển số urani này ra nước ngoài, mà thậm chí có thể yêu cầu Iran phải loại bỏ phần lớn trong số 10.000 máy li tâm được sử dụng để làm giàu urani và vận chuyển hàng tấn urani được làm giàu ở cấp độ thấp ra nước ngoài.

Tuy nhiên, Iran ngày 14/10 một lần nữa khẳng định sẵn sàng thảo luận về chương trình làm giàu urani song sẽ không bao giờ có chuyện Iran vận chuyển số urani đã được làm giàu ra khỏi lãnh thổ nước này.

Mặc dù dự kiến các bên sẽ không đạt được thỏa thuận nào trong phiên họp kéo dài 2 ngày này, song ít nhất nếu như các bên có thể xây dựng niềm tin lẫn nhau tại các cuộc đàm phán này thì đây có thể là bệ phóng cho một thỏa thuận vốn đã được các bên chờ đợi từ 10 năm nay, khi các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran được khởi động.

Hội nghị sẽ giúp Iran dần trút được gánh nặng trừng phạt đối với nền kinh tế và phần nào xoa dịu những lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc chiến tại Trung Đông, khi Israel trước đó đã cảnh báo có thể sẽ dùng tới cả vũ lực để khiến Iran thay đổi suy nghĩ về vấn đề hạt nhân./.