Ngày 23/9, cựu nhân viên FBI đã thừa nhận việc tiết lộ thông tin mà tình báo Mỹ có được về 1 âm mưu đánh bom khủng bố của al-Qaeda. Donald John Sachtleben, 55 tuổi trở thành nhân viên Chính phủ mới nhất phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì gây rò rỉ thông tin mật.

sachtleben-1.jpg
Tổng hình phạt dành cho Donald John Sachtleben là 11 năm 8 tháng tù giam (Ảnh: Fox: 59)

Cuộc điều tra liên quan đến vụ việc này cũng đã gây ra một cuộc tranh luận về tự do báo chí khi hãng tin AP đưa tin cho biết, như một phần của cuộc điều tra của Chính phủ, Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu bản ghi âm các cuộc điện thoại của hãng tin này mà không được sự đồng ý.

Theo cáo trạng tại tòa án liên bang ở Indianapolis, Sachtleben đã đồng ý thừa nhận 2 tội hình sự liên quan đến việc lạm dụng thông tin quốc phòng và tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Tổng hình phạt dành cho cựu nhân viên FBI này là 11 năm 8 tháng tù giam.

Sachtleben người từng là một kỹ thuật viên về bom mìn của FBI từ năm 1983-2008 nói: “Tôi vô cùng hối hận vì hành động của mình. Tôi không bao giờ có ý định gây hại cho nước Mỹ hoặc bất kỳ cá nhân nào, tôi không bào chữa cho hành động của mình”.

Trong hơn 4 năm kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành một chiến dịch mạnh mẽ để chống lại việc rò rỉ thông tin trái phép trên các phương tiện truyền thông.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông Eric Holder cho rằng, việc tiết lộ thông tin về an ninh quốc gia là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất.

Các quan chức Mỹ cho rằng, hành động của Donald Sachtleben gây hủy hoại các hoạt động tình báo quốc tế và có thể đặt cuộc sống của những người dân vô tội vào tình thế nguy hiểm.

Hồi tháng 5/2012, Sachtleben đã tiết lộ một mưu đánh bom của tổ chức al-Qaeda cho hãng thông tấn AP. Sự việc được xác minh sau khi các nhà điều tra bất ngờ kiểm tra các cuộc điện thoại được lưu lại từ trụ sở hãng thông tấn AP.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, ông James Cole nói: “Việc tiết lộ trái phép và không thể biện minh này gây nguy hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia và khiến nhiều mạng sống bị đặt vào thế nguy hiểm. Để đất nước được an toàn, luật pháp chống rò rỉ thông tin quan trọng phải được xiết chặt trong khi vẫn tôn trọng vai trò của báo chí”.

Vụ việc của Sachtleben cũng đã gây ra làn sóng phản đối của giới truyền thông khi AP cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu bản ghi các cuộc điện thoại của hãng tin này mà không được sự đồng ý. Tổng giám đốc AP cho rằng, đó là một cuộc tấn công vào các cơ quan thông tấn mặc dù các quan chức Mỹ cho đây là việc làm cần thiết và được pháp luật cho phép để tiến hành điều tra.

Trợ lý Giám đốc FBI Valerie Parlave cho biết, “nhà chức trách Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc các cá nhân sẵn sàng đánh cược sự an toàn của đất nước bằng cách tiết lộ những thông tin nhạy cảm mà họ có được”./.