Tuần qua, tại một cuộc hội đàm cấp cao với Mỹ, Australia đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác hải quân ở Biển Đông, nhưng vẫn đang từ chối lời đề nghị gia nhập vào một đội tàu của Mỹ trong khu vực.
Ông Evans, người từng giữ chức Ngoại trưởng vào cuối những năm 1980 đến những năm 1990 cho rằng, Australia có thể lập kế hoạch riêng.
Tàu HMAS Arunta và tàu chở dầu HMAS Sirius của Hải quân Hoàng gia Australia. (ảnh: Australian Embassy/inquirer.net). |
Trả lời phỏng vấn đài ABC, ông Evans nhấn mạnh: “Người Mỹ muốn chứng minh quyền “tự do hàng hải” bằng cách đưa tàu đến khu vực 12 hải lý (của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng) nhằm phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý. Tôi nghĩ rằng Australia cũng có thể làm được điều đó, không nhất thiết phải liên kết với Mỹ”.
Ông Evans cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là cần chống lại những luận điệu sai trái, không rõ ràng của Trung Quốc về lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
Ông Evans đã đề nghị các tàu thương mại cũng có thể đóng vai trò tương tự bên cạnh các tàu của lực lượng hải quân.
“Trong trường hợp cần vận chuyển, có thể sử dụng tàu quân sự hoặc tàu thương mại đều được, và những tàu này có thể thực hiện quyền tự do hàng hải qua mình bằng cách đi vào vùng 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng mà không cần xin phép”, ông Evans nói.
Cho đến nay, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop vẫn chưa xác nhận việc tham gia vào đội tàu trên Biển Đông cùng với Mỹ. "Mỹ đã nói rằng những hoạt động của họ phù hợp với luật pháp quốc tế và tất nhiên chúng tôi ủng hộ điều đó”, bà Julie Bishop tuyên bố.
Đài ABC cho biết thêm ba tàu Hải quân Hoàng gia Australia hiện đang nằm trong vùng Biển Đông. Tàu chiến HMAS Stuart vừa khởi hành đến Nhật Bản trong tuần qua. Trong khi tàu HMAS Arunta và tàu chở dầu HMAS Sirius vừa kết thúc cuộc tập trận chung với Hải quân Singapore./.